Chăn nuôi vịt xiêm thả vườn hiệu quả
Với những giống vịt Xiêm cao sản siêu nặng có thể nuôi theo phương thức tập trung (thâm canh) hay nuôi bán chăn thả. Dưới đây là bài Chăn nuôi vịt xiêm thả vườn hiệu quả.
Chuồng trại và dụng cụ
Tùy điều kiện thực tế và mức độ thâm canh mà bố trí chuồng nuôi kiên cố hay đơn giản nhưng chuồng nuôi phải đạt yêu cầu khô, thoát nước tốt, an toàn cho vịt, ấm và thoáng, dễ làm vệ sinh, tẩy trùng trước và sau mỗi đợt nuôi. Nền chuồng có thể bằng cát, đất lèn chặt, nền xi măng hay lát gạch. Nên bố trí nơi có sân chơi, hồ nước tắm, có bãi chăn thả và mương nước hay ao hồ càng tốt.
Chuồng nuôi và máng ăn, máng uống được vệ sinh sạch trước khi bắt vịt về. Nếu trước đó đã nuôi vịt phải để trống chuồng sát trùng sạch ít nhất 1 tháng. Đảm bảo đủ máng ăn, máng uống cho vịt, máng ăn bằng khay kẽm hình chữ nhật với kích thước 50 x 70 x 2 cm cho 50 vịt con. Máng uống bán tự động 50 – 60 con/máng loại 5 lít.
Dùng cót ép cao 50 cm để quây vịt thành từng nhóm nhỏ khoảng 200 – 300 con. Nền trải trấu hoặc rơm cỏ khô để giữ ấm chân vịt, che chắn tránh gió lùa. Nhiệt độ sưởi ấm cho vịt tuần đầu 30 – 31° c, sau mỗi tuần giảm 2oC. Quan sát tình trạng phân tán của đàn vịt trong chuồng để điều chỉnh nhiệt độ chuồng nuôi, đu ấm vịt phân tán đều trong chuồng, sởn xơ, nhanh nhẹn, ăn nhiều, Nếu lạnh vịt nằm túm tụm dưới nguồn nhiệt, ăn ít, uống nước ít. Nóng quá vịt nằm túm tụm xa nguồn nhiệt, thở nhanh, ăn ít, uống nước nhiều, phân ướt. Chiếu sáng liên tục trong tuần đầu để vịt có thể ăn tối đa lượng thức ăn, thời gian chiếu sáng giảm dần cho đến 7-8 tuần sử dụng ánh sáng tự nhiên.
Chọn vịt giống
Chọn vịt từ đàn nở tốt, đúng ngày, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, bụng thon mềm, lông óng với màu đặc trưng của giống, chân mập, màng chân bóng, không hở rốn, không dị tật.
Thức ăn
Nuôi thâm canh nên cho ăn tấm hay gạo lức nấu chín trong vài ngày đầu, sau đó sử dụng thức ăn hỗn hợp dạng viên theo nhu cầu dinh dưỡng tương ứng với từng lứa tuổi.
Nhu cầu dinh dưỡng cho vịt thịt
Nuôi bán chăn thả ngoài thức ăn hỗn hợp có thể pha trộn thêm phụ phẩm nông nghiệp có sẵn tại địa phương như cám gạo, bắp, lúa. Nếu có nhiều nguồn mồi động vật như cua, ốc, còng sẽ giảm được chi phí thức ăn. Sau 1 tuần có thể cho ăn thêm bèo, rau xanh thái nhỏ. Nếu có bãi chăn thả, ao hồ sẽ giảm lượng thức ăn tinh đáng kể.
Cho vịt ăn tự do, thức ăn trải vào khay tuần đầu trải nhiều bữa, sau 4 tuần cho ăn 2 lần trong ngày với lượng thức ăn tự do, vịt có thể ăn hết thức ăn trong máng tránh đổ vãi và hư hỏng thức ăn. Phải cung cấp đầy đủ nước sạch cho vịt uống tự do, nếu máng uống dễ nhiễm bẩn phải thay nước thường xuyên. Máng uống tự động sẽ giữ nước luôn sạch và tiết kiệm nước.
Vỗ béo vịt Xiêm
Khi vịt cái được 50 – 56 ngày tuổi, vịt đực 63 – 70 ngày có thể nhồi cưỡng bức bằng bắp hạt và đậu nành nấu chín, nhồi cho vịt ăn 2 lần/ngày để lấy gan và thịt béo
Phòng bệnh
Quy trình phòng bệnh tương tự như nuôi vịt giống, tuân thủ nguyên tắc vệ sinh thú y chuồng nuôi, thức ăn chất lượng tốt, không bị ôi mốc, không chứa độc tố.
Chuồng nuôi không đọng nước, luôn khô ráo và dọn phân rác thường xuyên. Vệ sinh máng ăn, máng uống hàng ngày. Phát hiện và loại thải kịp thời vịt bệnh. Trong 3 ngày đầu cho vịt uống nước có pha vịtamin ADE và B tổng hợp để tăng sức đề kháng cho vịt. Cho uống kháng sinh phòng bệnh đường ruột lúc 1 tuần tuổi và 4 tuần tuổi. Vịt Xiêm rất mẫn cảm với kháng sinh nên sử dụng thuốc thú y phải chú ý theo chỉ dẫn của cán bộ kỹ thuật.
Tiêm vaccin dịch tả và tụ huyết trùng là 2 bệnh thường xảy ra trên vịt xiêm lúc 3-4 tuần tuổi.