Điều trị bệnh hen phế quản ở bà bầu như thế nào?

Khi phụ nữ mang thai nếu bị hen phế quản thường có những dấu hiệu như: thở khò khè, tiếng khò khè thường nghe thấy ở thì thở ra, tuy nhiên cũng có thể nghe thấy được ở thì hít vào; không thở được; co nặng ngực; ho và nói khó… Những triệu chứng này có thể xảy ra trong suốt ngày hoặc đêm. Phụ nữ mang thai bị hen phế quản thì sẽ gặp nguy hiểm vì có thể sẽ không cung cấp đủ ôxy cho thai nhi. Cùng vtvcantho tìm hiểu ngay các điều trị và kiểm soát bệnh hen phế quản ở bà bầu ngay nhé.

Mục đích của việc điều trị hen trong lúc mang thai là ngăn chặn những cơn thiếu ôxy cho mẹ, đồng thời giúp cung cấp ôxy đầy đủ cho thai nhi. Các bà bầu cần phải chú ý để thực hiện nghiêm ngặt các phương pháp điều trị ngăn chặn các cơn hen bất ngờ. Điều trị tối ưu bao gồm: kiểm soát chức năng hô hấp; tránh các yếu tố gây kịch phát cơn hen; tư vấn và điều trị bằng thuốc cho từng trường hợp để duy trì chức năng phổi bình thường. Việc điều trị bằng thuốc cần tuân theo nguyên tắc sử dụng lượng thuốc thấp nhất có hiệu quả để kiểm soát bệnh hen. Nếu làm tốt điều trị dự phòng và không bỏ thuốc giữa chừng thì việc mang thai và sinh con vẫn hoàn toàn bình thường và khỏe mạnh. Các bác sĩ sẽ lựa chọn những loại thuốc phù hợp với phụ nữ mang thai. Các thuốc điều trị bệnh hen cho phụ nữ mang thai thường ở dạng phụt, xịt nên sẽ hạn chế được sự ảnh hưởng tới thai nhi. Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc.

Ngoài việc tuân thủ chặt chẽ chỉ định điều trị của bác sĩ, phụ nữ mang thai cần phải chú ý tránh tiếp xúc với các yếu tố kích phát cơn hen như: khói thuốc lá, thuốc lào; lông súc vật chó, mèo…; khói bếp, đặc biệt là khói bếp than; các loại mùi hương mạnh như: phấn hoa, nước hoa, thuốc xịt côn trùng; tránh ăn các thức ăn lạ có nguy cơ gây dị ứng; luôn giữ cho không khí trong nhà thoáng, khô. Phụ nữ mang thai không được hút thuốc hay cho người khác hút thuốc trong nhà. Khói thuốc là yếu tố dễ kích thích các cơn hen cấp.

Chế độ dinh dưỡng cũng đặc biệt quan trọng trong giai đoạn này. Phụ nữ mang thai nên ăn đồ ấm, hạn chế tối đa đồ để lâu trong tủ lạnh. Đồng thời cũng phải giữ ấm cơ thể, nếu bị cảm cúm, cảm lạnh thì sẽ càng nguy hiểm hơn. Khi ra ngoài nên đeo khẩu trang để tránh các tác nhân bất ngờ gây các cơn hen.

Đối với những phụ nữ khi biết mình bị bệnh hen phế quản hoặc có tiền sử bị bệnh, trước khi có ý định mang thai cần đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn, điều trị và dự phòng để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và thai nhi. Bên cạnh đó, tiêm phòng vắc-xin cúm trước khi mang thai để ngăn chặn tăng nguy cơ hen phế quản vì viêm hô hấp do virut cúm.

Khi mang thai, thai phụ cần đi khám thai đầy đủ, có lịch làm việc, nghỉ ngơi và chế độ dinh dưỡng hợp lý. Điều quan trọng là luôn luôn phải đảm bảo bệnh hen đã được điều trị và kiểm soát tốt dưới sự tư vấn, hướng dẫn điều trị của bác sĩ chuyên khoa hô hấp và được quản lý và theo dõi tốt của bác sĩ chuyên khoa sản. Sự phối hợp giữa hai chuyên khoa này là yếu tố quyết định cho sự an toàn của thai phụ và con của họ trong quá trình mang thai, khi chuyển dạ và trong giai đoạn sau sinh.

Xem thêm

Hen phế quản ở bà bầu có ảnh hưởng như thế nào tới thai nhi?