Công dụng của cây Sầu đâu và những lưu ý khi dùng
Cây sầu đâu theo tên gọi của các ngôn ngữ khác: Neem tree (tiếng Anh), Azad Dirakht (tiếng Ba Tư), DogonYaro (tiếng Nigeria), Margosa, Neeb (tiếng Ả Rập), Nimtree, Nimba (tiếng Phạn), Vepu, Vempu, Vepa (Telugu), Bevu Kannada, Veppam (Tamil), ở Đông Phi, cây này được gọi là Mwarobaini (Kiswahili), có nghĩa là cây 40; vì người ta cho rằng cây này có thể dùng làm thuốc trị được 40 bệnh khác nhau.
Cây Sầu đâu có thể trị nhiều bệnh
Riêng về lĩnh vực y học, tác dụng kỳ diệu của lá sầu đâu đã được người Ấn Độ ứng dụng từ xa xưa để làm thuốc hạ đường huyết, chống viêm, chống ung thư, kháng khuẩn, kháng nấm, chữa sốt rét. Ngoài ra nó còn có tác dụng chống oxy hóa tế bào và kháng các tác nhân gây đột biến gen hoặc ung thư…
Đối với bệnh đái tháo đường, mỗi ngày có thể dùng 5-10 lá, tươi hoặc phơi trong mát cho hơi héo rồi đun sôi lấy nước uống mỗi ngày, nước thuốc có vị rất đắng nhưng hậu ngọt, cũng không khó uống.
Các nước Ấn Độ, Mỹ, Hà Lan, Nhật… đã điều chế sản xuất từ lá sầu đâu thành các dạng thuốc uống như thuốc viên, chữa loét bao tử, bệnh đường ruột, sán lãi, dạng trà thuốc, dạng kem và các mỹ phẩm thoa da chữa ghẻ, mụn nhọt, lang ben, hắc lào, xà bông tắm sát khuẩn ngoài da, hoặc cao dán trị các vết thương làm độc, ung mủ, các vết loét của phong hủi. Nước sắc của cây còn dùng để chữa viêm nha chu, viêm nướu, sâu răng, chữa viêm cơ, viêm khớp. Dùng ngoài đắp lên các ápxe, bướu ác tính, trĩ hoặc các vết thương do rắn, rết cắn.
Ngành công nghiệp dược của nhiều nước đã trích ly hoạt chất của cành, lá sầu đâu và chế thành thuốc viên trị bệnh đái tháo đường do thiếu insulin, làm thuốc lọc máu, trị bệnh cao huyết áp và rối loạn nhịp tim, làm giảm mỡ và cholesterol trong máu.
Cây sầu đâu đang được trồng và khai thác đại trà tại các nông trường neem tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Trung tâm Nghiên cứu nông dược TP.HCM (sản xuất với quy mô 50 tấn/năm).
Nhưng không phải cây Sầu đâu nào cũng chữa bệnh
Hiện nay ở nước ta có nhiều loại sầu đâu. Cây sầu đâu bản địa của Việt Nam còn gọi là cây xoan, xoan trắng, sầu đông, thầu đâu, khổ luyện, xuyên luyện… Cây to, thân gỗ cao từ 8 – 15m, lá kép lông chim lẻ, cụm hoa mọc ở lá thành xim phân đôi, mọc trước hoặc cùng thời gian với lá non. Hoa có màu trắng hoặc tím nhạt.
Cây sầu đâu này hiện có tên trong danh sách dược liệu của Việt Nam. Các bộ phận của cây có vị đắng, tính lạnh nhưng chỉ vỏ rễ và vỏ thân cây mới được dùng trong y học. Hoạt chất chính trong vỏ rễ và thân là chất toosendamin, còn gọi là khổ luyện tố, có tác dụng diệt giun đũa, giun kim, chống nấm, chống độc tố botudin do vi khuẩn gây ra. Riêng các bộ phận khác của sầu đâu có chứa độc tố. Tùy vào liều lượng, độ mẫn cảm của đối tượng sử dụng mà mức độ độc tính cũng khác nhau.
Lá sầu đâu được dùng làm thuốc diệt côn trùng, sâu bọ chứ không ăn vì có thể gây nguy hiểm và cũng chưa được nghiên cứu nhiều. Theo kinh nghiệm dân gian, người ta cho lá sầu đâu vào chum đựng các loại hạt ngũ cốc, gạo… để tránh phát sinh nấm, sâu mọt hoặc dùng nước sắc lá sầu đâu (4kg lá trong 10 lít nước) phun lên lá cây bị sâu bọ ăn hại.
Ăn quả sầu đâu có thể bị ngộ độc như: nôn mửa, tiêu chảy, suy thận, xuất huyết nội tạng, tim đập nhanh…
Ngoài cây sầu đâu bản địa thì hiện ở nước ta còn có thêm hai loại là sầu đâu Ấn Độ và sầu đâu rừng. Cây sầu đâu Ấn Độ còn có tên khác là cây nim, có thể dùng để làm gỏi (còn gọi là xoan ăn gỏi). Sầu đâu Ấn Độ đang được trồng nhiều và phát triển tốt tại Ninh Thuận.
Còn sầu đâu rừng thuộc họ thanh thất, cây dạng tiểu mộc, mọc thành bụi, chùm; còn gọi là sầu đâu cứt chuột, khổ luyện tử, nha đảm tử, khổ sâm… Loại này có công dụng và độc tính giống sầu đâu bản địa.
Theo nghiên cứu, các loại sầu đâu đều có dược tính, tuy đem lại lợi ích trị bệnh nhưng độc tính cũng cao. Nếu sử dụng không đúng và quá liều có thể ảnh hưởng xấu, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Vì vậy, người dân không nên sử dụng làm thuốc hoặc rau ăn hằng ngày một cách tùy tiện, đặc biệt, không nên ăn một lúc quá nhiều vì độc tố sẽ vượt khả năng chịu đựng của cơ thể.
Tổng hợp
Xem thêm: