Cây cỏ sữa trị tiểu đường và những lưu ý mọi người cần biết
Một số thử nghiệm đã cho thấy cây cỏ sữa trị tiểu đường là thật sự hiệu quả. Tuy nhiên, có thể mọi người quên rằng, cây cỏ sữa nếu dùng nhằm có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả điều trị.
Tránh dùng nhằm cây có sữa trị tiểu đường
Một số người đã nhầm cây vú sữa đất với cỏ sữa lá nhỏ (Euphorbia thymifolia Burm.), cây này cũng có tác dụng thông sữa, cầm tiêu chảy, kiết lỵ, tẩy giun… nhưng chưa có tài liệu nào chứng minh hiệu quả giảm đường trong máu.
Có thể phân biệt vú sữa đất với cỏ sữa lá nhỏ qua hình thái thực vật:
Vú sữa đất (hay còn gọi là cây cỏ sữa – loại cỏ dùng trị bệnh tiểu đường): toàn cây có lông ráp, màu xanh hoặc nâu đỏ và có nhựa mủ trắng. Lá thường có màu xanh, mọc đối, cuống ngắn, phiến lá hình mũi mác, dài 40 – 50mm, rộng 7 – 15mm, mép có răng cưa nhỏ. Gốc cuống lá có hai lá kèm nhỏ hình lông cứng. Nhiều cụm hoa hình chén nhỏ ở các nách lá. Mỗi chén mang các hoa đơn tính. Quả nhỏ, đường kính 1,5mm, khi già nứt thành ba mảnh, mang ba hạt rất nhỏ.
Cỏ sữa lá nhỏ: thân màu đỏ tím, hơi có lông, mọc bò toả rộng trên mặt đất, có lông ít và có nhựa mủ trắng. Lá nhỏ, màu đỏ nâu, mọc đối, hình bầu dục có răng ở mép, có lông ở mặt dưới, dài 7mm, rộng 4mm. Cụm hoa dạng xim co, ít hoa ở nách lá. Quả nang, đường kính 1,5mm, có lông. Hạt nhẵn, có bốn góc lồi, dài 0,7mm.
Kinh nghiệm chữa trị dân gian
Vú sữa đất còn có tên gọi khác là cỏ sữa lá lớn, do cây này có nhựa mủ màu trắng như sữa và được nhân dân sử dụng với mục đích thông sữa, lợi sữa cho bà mẹ mới sinh con.
Ở châu Mỹ, người ta quen gọi là cây hen suyễn ( Asthma herb ), do các thầy thuốc bản địa sử dụng cây này để điều trị một số bệnh đường hô hấp như hen suyễn, ho, sổ mũi, viêm phế quản… Người Ấn độ và Việt Nam thường sử dụng toàn cây tươi để tẩy giun cho trẻ em, điều trị các chứng rối loạn tiêu hoá, kiết lỵ, lậu, vàng da, mụn nhọt,… Rễ cây vú sữa đất được sử dụng để chữa bong gân, viêm nhiễm, sẩy thai,…
Không dùng tuỳ tiện
Cho đến nay, các nhà khoa học đã xác định thành phần hoá học chủ yếu có trong cây vú sữa đất là các flavonoid (quecitrin, quercetol), terpenoid, coumarin, tannin, glycosid trợ tim, triterpene (phytosterol), diterpene (phorbol ester); alken, phenolic acid, shikimic acid (shikimic acid), choline… Và nhiều tác dụng dược lý cũng đã được chứng minh: thông sữa; cải thiện hô hấp; kháng khuẩn, giảm nhu động ruột; kháng viêm; kháng nấm; điều hoà miễn dịch; ức chế tinh trùng… Dịch chiết cồn vú sữa đất còn có khả năng gây độc tế bào chọn lọc đối với một số dòng tế bào ung thư như u hắc tố ác tính, ung thư biểu mô vẩy… Ngoài ra, dịch chiết nước của loại cây này còn có tác dụng ức chế aflatoxin trên một số ngũ cốc như gạo, lúa mì, lúa mạch, bắp, đậu phộng,…
Về công dụng điều trị bệnh đái tháo đường (tiểu đường), các thử nghiệm in vitro và in vivo đã chứng minh cơ chế hạ đường huyết của dịch chiết cồn và phân đoạn ethyl acetate chiết xuất từ vú sữa đất, có liên quan đến khả năng chống oxy hoá và ức chế α-glucosidase. Trong khi đó, các phân đoạn n-hexane, chloroform, butanol và dịch chiết nước không thể hiện tác dụng này. Kết quả thực nghiệm này cho thấy vú sữa đất có triển vọng trong điều trị đái tháo đường. Tuy nhiên, cần hết sức lưu ý, hiệu quả kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường là sự kết hợp của nhiều chế độ: sinh hoạt, tập luyện, dinh dưỡng, sử dụng thuốc. Vì thế, bên cạnh việc phải nhận biết chính xác, chống nhầm lẫn cây thuốc, điều quan trọng nhất là không nên tự sử dụng bất kỳ một loại thuốc nào khi chưa có tham vấn của bác sĩ điều trị.