Tác dụng của cây bạch đồng nữ trong việc chữa bệnh là gì?

Bạch đồng nữ còn gọi mò hoa trắng, mò trắng, bấn trắng…là cái tên không mấy quen thuộc với mọi người. Theo Đông y, rễ bạch đồng nữ có vị ngọt nhạt, tính mát, vào hai kinh: tâm và tỳ. Tác dụng thanh nhiệt tiêu viêm, khu phong trừ thấp, điều hoà thể dịch. Ngoài ra, còn có tác dụng hạ huyết áp nhưng kết quả chậm; sau 4 – 5 tuần tác dụng thấy rõ rệt; tác dụng giảm đau thấy rõ sau 1 – 2 tuần: người dễ chịu, các chứng đau đầu, hoa mắt và mất ngủ hết dần; làm long đờm dãi, làm mát máu và cầm máu. Bạch đồng nữ dùng chữa bệnh bạch đới, viêm loét tử cung, kinh nguyệt không đều, mụn nhọt lở ngứa, viêm mật vàng da, sốt, gân xương đau nhức, đau mỏi lưng và tăng huyết áp.

Mô tả đặc điểm cây thuốc Bạch đồng nữ

Bạch đồng nữ tên khoa học là Clerodendron gragrans thuộc họ Cỏ roi ngựa (Verbenaceae). Nó còn được gọi với những cái tên như cây Mò trắng, Vảy trắng….

Đây là loại cây nhỏ, cao khoảng 1 – 1,5m, nhánh vuông, có lông màu vàng nhạt. Lá mọc đối, gốc tròn hoặc hình tim, lá khá lớn, dài khoảng 10 – 20cm, rộng 7 – 15cm. Mép lá nguyên hoặc có răng cưa nhỏ, trên lá có ít lông cứng, mặt dưới thường có những tuyến nhỏ tròn. Gân lá nổi rõ, gân phụ đan thành lưới dày. Cuống lá có nhiều lông. Lá vò ra có mùi hăng đặc biệt.

Cụm hoa mọc ở ngọn thân, tập trung thành chùy to, hình tháp, có lông vàng hung. Lá bắc dạng lá hình trái xoan – mũi mác, rụng sớm, lá bắc con hình mũi mác. Hoa trắng hoặc ngả vàng, đài có tuyến hình khiên, tràng có lông nhiều, nhị và vòi nhụy thò ra, bầu nhẵn.

Quả hạch đen, hình cầu, mang đài màu đỏ tồn tại ở trên. Cây ra hoa vào tháng 5 – 8, ra quả tháng 9 – 11.

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản

Để làm thuốc người ta sử dụng Rễ và lá của Bạch đồng nữ. Lá có thể thu hái quanh năm, tốt nhất vào lúc cây sắp ra hoa, nên chọn những lá bánh tẻ, không sâu úa. Rễ chọn lấy những cây trưởng thành, đào về rửa sạch, phơi hoặc sấy khô. Bảo quản nguyên rễ hoặc phiến mỏng.

Lưu ý cất dược liệu nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm mốc, mối mọt.

Công dụng của Bạch đồng nữ

Vị thuốc này có vị hơi đắng, mùi thơm, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trừ phong thấp, tiêu viêm (theo Dược điển Việt Nam tập II). Trên lâm sàng, nó thường được dùng để chữa một số bệnh:

  • Bạch đới ở phụ nữ
  • Viêm loét tử cung
  • Chữa kinh nguyệt không đều
  • Trị mụn nhọt, lở ngứa
  • Trị viêm mật vàng da
  • Chữa gân xương đau nhức, đau mỏi lưng
  • Điều trị tăng huyết áp

Một số công dụng trị bệnh của bạch đồng nữ

Thuốc điều kinh:

Bài 1: bạch đồng nữ 16g, ích mẫu 40g, hương phụ tứ chế 15g, đậu đen 10g, nghệ vàng 2g, ngải cứu 2g. Sắc uống, ngày uống 1 thang.

Bài 2: Cao hương ngải (hay HA1): bạch đồng nữ 2g, ngải cứu 2g, ích mẫu 2g, hương phụ 2g. Sắc 3 lần, cô nước sắc đến 20ml, cho đường đủ ngọt, đóng ống 10ml, hàn kính và hấp tiệt trùng (đun sôi và giữ sôi trong 1 giờ). Ngày uống 3-6 ống, thời gian uống: 3 tháng. Thuốc chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng khi thấy kinh, khó sinh nở và khí hư bạch đới. Đơn thuốc này cũng chữa cao huyết áp, ngày 2-3 ống. Có thể sử dụng đơn thuốc này với mỗi vị dược liệu từ 4-6g để sắc uống trong ngày.

Làm rụng các hoại tử của vết bỏng:

Cành, lá bạch đồng nữ tươi 1kg, sắc với 10l nước, đun sôi 30 phút, lọc lấy nước. Nhỏ giọt liên tục lên vết thương hoặc ngâm vết thương ngày 2 lần, mỗi lần 1 giờ.

Trị thấp khớp (sưng, nóng, đỏ, đau): bạch đồng nữ 80g, dây gắm 12g, tầm xuân 8g, đơn tướng quân 8g, đơn răng cưa 8g, đơn mặt trời 8g, cà gai leo 8g, tang chi 8g. Sắc uống.

Trị vàng da và niêm mạc: rễ bạch đồng nữ hoặc xích đông nam 80 – 100g. Sắc uống.

Trong y học dân gian Nepan dùng nước ép lá, ngọn non hoặc rễ tươi để trị giun sán, mỗi ngày uống 4 thìa cà phê, uống liền trong 4 ngày hoặc ngày uống 2 thìa nước ép lá, uống đến khi ra giun. Y học dân gian Ấn Độ có bào chế thuốc nhão từ lá bạch đồng nữ và chồi lá ổi để trị đau dạ dày đầy hơi. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 2 thìa cà phê, uống cho đến khi khỏi.