Suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi
Nguyên nhân có thể do sự lão hóa nhanh của các tế bào thần kinh, do môi trường sống, stress, rối loạn giấc ngủ,…
Vì sao càng cao tuổi càng hay quên?
Chứng hay quên là hiện tượng suy giảm dần trí nhớ và nhận thức do quá trình thoái hóa liên tục của bộ não xảy ra sau nhiều năm. Sau 25 tuổi, mỗi ngày có khoảng 3.000 tế bào thần kinh bị phá hủy và không có sự tái tạo mới để thay thế. Hiện tượng này xảy ra nhanh sau tuổi 60. Lứa tuổi 60 – 64 có khoảng 1% mắc chứng giảm trí nhớ, đến lứa tuổi 85 có đến 50% mắc chứng này.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng hay quên ở người cao tuổi, trong đó, do tuổi – quá trình lão hóa làm giảm sút các chức năng của tất cả các bộ phận trong cơ thể. Hoạt động của các tế bào thần kinh cũng chậm dần theo năm tháng, đồng thời các chất cần thiết cho sự hoạt động của hệ thần kinh cũng giảm sút, dẫn đến trí nhớ giảm dần.
Một nguyên nhân có thể cũng góp phần không nhỏ gây nên sự suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi, đó là do khả năng hoạt động kém hiệu quả của hệ tuần hoàn. Trải qua những năm tháng của cuộc đời, quả tim và các mạch máu đã lão hóa, không còn dẻo dai và mạnh mẽ, khí huyết lưu thông kém, cùng với tình trạng vôi hóa cột sống cổ, càng làm suy giảm khả năng tuần hoàn máu não, khiến cho sự nuôi dưỡng cần thiết cho não không được đảm bảo… càng làm gia tăng sự lão hóa của các tế bào thần kinh trong não bộ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới trí nhớ của người cao tuổi…
Uống quá nhiều rượu có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe và tâm thần, bao gồm suy giảm trí nhớ. Nghiện rượu có thể dẫn đến trí nhớ kém hoặc mất trí nhớ tạm thời bởi khi rượu được hấp thụ vào cơ thể sẽ ngăn chặn khí oxy lưu thông lên não, đặc biệt là ở khu vực có chứa cồn.
Việc sử dụng các loại thuốc chữa bệnh trong thời gian dài cũng là một trong những tác nhân gây ra bệnh suy giảm trí nhớ của người già. Đây là vấn đề thường gặp ở người cao tuổi, vì họ thường phải dùng nhiều loại thuốc để điều trị các bệnh khác nhau.
Những người cao tuổi thường hay mắc chứng mất ngủ, ngủ không đủ giấc. Điều này cũng là nguyên nhân làm tăng thêm sự suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi.
Theo thời gian, suy giảm trí nhớ theo tuổi cũng tăng dần. Càng lớn tuổi, cơ thể càng ít tạo ra các chất trung gian cần thiết cho não hoạt động. Giảm trí nhớ đi kèm với lớn tuổi, chủ yếu suy giảm về trí nhớ công việc, bao gồm sự đãng trí, giảm khả năng tập trung và giảm khả năng giữ ý nghĩ lâu dài như: Quên ngay một việc mình định làm, không nhớ vị trí để đồ vật mình vừa đặt xuống, thường xuyên phải tìm kiếm đồ dùng cá nhân như mũ, chìa khóa, quên hoặc khó nhớ tên người mới gặp,…
Đối với bệnh nhân suy giảm trí nhớ do các bệnh lý như: chấn thương sọ não hay tai biến mạch máu não, viêm não và bệnh Alzheimer, rối loạn tiền đình hay rối loạn tuần hoàn não, stress, nghiện rượu, lạm dụng thuốc chống trầm cảm, thuốc ngủ,… gây suy giảm trí nhớ với các biểu hiện sau: quên những đồ vật và cách sử dụng đã từng dùng rất thường xuyên; quên những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ nhưng vẫn tiếp nhận và duy trì được khả năng nhớ những thông tin mới; gặp nhiều khó khăn khi tiếp nhận thông tin mới; hay lặp lại một câu hay một câu chuyện trong cùng một buổi trò chuyện; không thể giữ nếp sinh hoạt thường ngày,… những kinh nghiệm và kiến thức ít bị ảnh hưởng. Người bệnh vẫn có khả năng nhớ được những sự kiện đã xảy ra từ rất lâu.
Điều trị và phòng ngừa suy giảm trí nhớ
Suy giảm trí nhớ do tuổi là một tiến trình tự nhiên của sự lão hóa nên chưa cần thiết phải điều trị bằng thuốc mà chỉ cần áp dụng tích cực các biện pháp điều trị không dùng thuốc như phải thường xuyên hoạt động trí não, sống trật tự, có phương pháp, việc nào ra việc ấy, luôn đọc sách, giao tiếp xã hội, luyện trí nhớ, liệt kê danh sách các công việc cần phải làm, lập thời gian biểu cho công việc hằng ngày, làm theo thời gian biểu công việc đã lập, đề ra những mục quan trọng cần chú ý thực hiện…
Ví dụ: Luôn đặt mũ, chìa khóa ở một chỗ nhất định, lặp lại tên của người vừa mới gặp, giữ những tài liệu lưu trữ thông tin, sự kiện như sổ ghi chép, album hình… Tập thể dục thường xuyên cũng là một cách tốt để duy trì khả năng tư duy vì nó thúc đẩy tuần hoàn, hô hấp, giúp tăng cường cung cấp oxy và dinh dưỡng cho não.
Với những bệnh nhân bị suy giảm trí nhớ đã được xác định là do bệnh lý cần điều trị theo hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa. Suy giảm trí nhớ nếu phát hiện sớm có thể điều trị khỏi hoặc ít nhất cũng được điều trị can thiệp làm quá trình tiến triển bệnh chậm lại, giúp cho người bệnh có cuộc sống tốt hơn. Do đó, nếu bản thân hoặc những người trong gia đình người bệnh thấy có biểu hiện hay quên cần đến cơ sở y tế để các bác sĩ chuyên khoa khám xác định nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ để có chỉ định điều trị thích hợp.
Để duy trì và tăng cường trí nhớ, cần phải thực hiện một chế độ dinh dưỡng đa dạng, giàu chất sắt và các nguyên tố vi lượng cần thiết như phốt pho, kẽm, vitamin nhóm B, các loại dầu thực vật; hạn chế uống rượu, bia vì rượu có thể thúc đẩy nhanh quá trình suy giảm trí nhớ, thậm chí mất trí nhớ ở người cao tuổi; có chế độ làm việc, nghỉ ngơi, thư giãn, tập luyện hợp lý. Đặc biệt, đối với người cao tuổi nên tránh những căng thẳng, lo lắng, mất ngủ thường xuyên,…Siêu Thi Y Tế tổng hợp các thuốc bổ thần kinh giúp cải thiện trí nhớ của người cao tuổi, bạn xem thử nhé.