Sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nui – Từ mô hình đến thực tiễn
Sau hơn 4 năm áp dụng đệm lót sinh học (ĐLSH) vào chăn nuôi, bước đầu nhận thấy mô hình đem lại hiệu quả trong việc giúp nông dân giảm thiểu ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, chi phí thức ăn, công chăm sóc, giúp vật nuôi tăng trọng nhanh… Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình này vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Nuôi gà trên đệm lót sinh học ở Lai Vung
Ô nhiễm môi trường luôn là vấn đề nan giải đối với ngành chăn nuôi. Xuất phát từ thực tế đó, trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư (KNKN) phối hợp cùng nhiều đơn vị xây dựng mô hình ĐLSH trong chăn nuôi trên heo, gà, vịt, tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Từ những thành công bước đầu, nhiều địa phương như: TP.Sa Đéc, huyện Lai Vung, Cao Lãnh… đã mạnh dạn nhân rộng mô hình. Bản thân người chăn nuôi rất phấn khởi khi đã tìm được hướng đi thỏa đáng trong việc hài hòa giữa vấn đề kinh tế và môi trường trong chăn nuôi.
Anh Nguyễn Thanh Lâm ngụ tại ấp 3, xã Mỹ Tân, TP.Cao Lãnh là người tiên phong trong lĩnh vực áp dụng mô hình ĐLSH vào chăn nuôi gà. Trước đây khi chưa áp dụng mô hình ĐLSH, hằng ngày gia đình phải quét dọn phân gà, thường xuyên thay chất độn nhưng mùi hôi, ruồi muỗi vẫn không được cải thiện. Do đó, việc chăn nuôi của gia đình anh gặp nhiều khó khăn, chất thải chăn nuôi không được xử lý tốt gây ô nhiễm môi trường xung quanh, ảnh hưởng sức khỏe con người, đặc biệt là các hộ láng giềng. Nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, anh đã tìm hiểu, học hỏi và nghe thông tin trên báo đài về xử lý môi trường trong chăn nuôi. Năm 2010, được sự hướng dẫn của Trung tâm KNKN về ứng dụng công nghệ đệm lót lên men bằng chế phẩm sinh học, anh đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới này trong chăn nuôi gà và đạt hiệu quả cao về môi trường và kinh tế.
Anh Lâm tâm sự: “Từ khi áp dụng mô hình chăn nuôi sử dụng ĐLSH, tôi nhận thấy, môi trường chăn nuôi được cải thiện đáng kể, phân gà sẽ phân hủy tại chuồng, giảm mùi hôi, ít ruồi, muỗi, không gây ô nhiễm môi trường. Vấn đề bệnh trên đường tiêu hóa và hô hấp của gà cũng giảm đáng kể. Ngoài ra, lớp đệm lót giúp giữ ấm cho gà vào mùa lạnh nên gà không bị què chân, lông tơi mượt và sạch; giảm tỷ lệ hao hụt khoảng 5% và gà tăng trọng nhanh, giảm chi phí thức ăn 5-10%”.
Theo tính toán của Trung tâm KN – KN tỉnh, sử dụng ĐLSH sẽ giảm được 60% nhân lực trong việc dọn chuồng, tắm rửa cho heo (người nuôi chỉ cần người cho vật nuôi ăn và theo dõi bệnh tật) và giảm 10% chi phí thức ăn. Đặc biệt, trong đệm lót chứa các vi sinh vật có lợi luôn hoạt động và sinh nhiệt đã ức chế và tiêu diệt vi khuẩn có hại, đồng thời làm ấm cho gia súc. Hệ thống chuồng nuôi theo mô hình này xây dựng đơn giản, không tốn nhiều chi phí. Với cách chăn nuôi này, một lao động có thể nuôi được 800 con heo thịt/lứa, trung bình chi phí mỗi con heo nuôi thịt giảm được 100.000 đồng. Sau 2- 4 năm sử dụng, đệm lót được đưa ra và sử dụng làm phân bón cho cây trồng rất tốt, nhờ có hàm lượng dinh dưỡng cao.
Từ những hiệu quả do mô hình mang lại, hiện nay nhiều hộ chăn nuôi đã chủ động chuyển đổi từ mô hình chăn nuôi truyền thống sang sử dụng ĐLSH. Chú Lê Văn Tư ngụ ấp 3, xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh cho biết: “Hiện tại, tôi đang sử dụng túi Biogas bằng chất liệu nilon để xử lý chất thải cho đàn heo cũng như tận dụng biogas làm chất đốt cho gia đình. Tuy nhiên, do số lượng heo nhiều, túi biogas bằng nilon không đủ khả năng xử lý hết mùi hôi nên bà con hàng xóm cũng phiền lòng. Sau thời gian tìm hiểu, tôi nhận thấy chăn nuôi trên ĐLSH là một lựa chọn hoàn hảo cho đàn heo của gia đình tôi”.
Mặc dù kết quả mà ĐLSH đem lại rất khả quan, song việc triển khai mô hình này trên diện rộng đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo bà Ngô Xuân Hương, Phó Giám đốc Trung tâm KN – KN tỉnh: “Đa số người chăn nuôi đã xây dựng chuồng trại theo cách nuôi truyền thống, do đó nếu chuyển sang nuôi theo phương pháp ĐLSH cần phải cải tạo lại chuồng nuôi, nên người dân vẫn còn e dè. Bên cạnh đó, nguồn mạc cưa sử dụng làm đệm lót nuôi heo ngày càng khan hiếm, chi phí mua mạc cưa cao, nên người chăn nuôi ngại đầu tư tiếp tục để nuôi lứa heo mới. Khi thực hiện mô hình đệm lót sinh học trên heo thì cần phải cào xới lớp đệm lót để tăng tính tiếp xúc; nông dân chưa có thói quen làm theo phương pháp mới nên việc mở rộng mô hình vẫn còn gặp nhiều khó khăn”.
Nguồn: Báo Đồng Tháp