Những điều cần hiểu đúng về căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS
Việc hiểu biết những điều cơ bản về HIV dưới đây sẽ giúp các bạn hình dung được tình trạng của mình nếu rơi vào tình huống có nguy cơ.
HIV là gì?
HIV (Human Immunodeficiency Virus) là virus gây suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. Cơ thể người có hệ thống miễn dịch giúp chúng ta chống đỡ với sự xâm nhập của các vi sinh vật gây bệnh. Suy giảm miễn dịch có nghĩa là giảm dần sức chống đỡ của cơ thể khi bị ký sinh trùng, vi trùng hoặc virus tấn công và lúc đó cơ thể dễ mắc các bênh nhiễm trùng và một số bệnh ung thư.
Nói suy giảm miễn dịch mắc phải có nghĩa là quá trình này xảy ra trong khoảng thời gian sống của con người, không phải do di truyền hay bệnh bẩm sinh của hệ miễn dịch. HIV là chỉ gây suy giảm miễn dịch ở người, không gây bệnh cho các loại động vật khác.
HIV sống ở đâu trong cơ thể con người:
Trong cơ thể người HIV có nhiều nhất ở trong máu, trong các dịch tiết sinh học như tinh dịch, dịch âm đạo rồi đến trong sữa của người nhiễm HIV, với số lượng đủ “ngưỡng” để làm lây truyền từ người nọ sang người kia. Đây là cơ sở khoa học để xác định đường lây truyền của HIV và các biện pháp dự phòng cơ bản.
Trong nước bọt, nước mắt, nước tiểu, mồ hôi cũng có HIV, nhưng với số lượng rất ít, không đủ “ngưỡng” nên không có khả năng làm lây truyền từ người nọ sang người kia khi tiếp xúc trực tiếp với các loại dịch thể này. Đây là cơ sở khoa học để xác định HIV không lây truyền qua các tiếp xúc thông thường.
HIV có thể sống trong cơ thể bệnh nhân AIDS đã chết trong vòng 24 giờ. Vậy khả năng tồn tại của HIV ở ngoài cơ thể người như thế nào?
Khi ở ngoài cơ thể người, HIV dễ bị tiêu diệt bằng nhiệt độ và các chất khử trùng thông thường. Ví dụ như HIV bị tiêu diệt khi gặp:
– Nước ở nhiệt độ 56°C trở lên trong 30 phút
– Các chất tẩy rửa như nước Javel 0.1-0.5%, Cloramin 25%, các chất sát trùng như cồn 70°, nước oxy già 6%.
– A xít (pH<6), Bazơ (pH>10).
Do vậy nếu ta ngâm dụng cụ tiêm chích trong cồn 70°, hoặc quần áo, đồ vải vào dung dịch Cloramin 1%, nước Javel 0.5% trong 20-30 phút là có thể diệt được HIV.
Với các dụng cụ phẫu thuật, tiêm chích, nếu ta luộc dụng cụ trong 20 phút, kể từ khi nước sôi là có thể diệt được cả HIV và nhiều loại vi sinh vật gây bệnh khác…
Tuy nhiên, HIV có thể tồn tại trong các giọt máu khô đọng ở kim tiêm hay các dụng cụ khác từ 2 đến 7 ngày và nhiệt độ dưới 0°C, tia X, tia cực tím không giết được HIV.
Những đặc tính nêu trên của HIV là cơ sở khoa học để xác định các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV trong các dịch vụ y tế cũng như khi chăm sóc người nhiễm HIV tại nhà.
HIV làm suy giảm miễn dịch ở người như thế nào?
Hàng ngày, cơ thể chúng ta bị tấn công bởi rất nhiều loại vi khuẩn khác nhau, nhưng nhờ có hệ thống miễn dịch chống lại nên cơ thể không mắc bệnh. Hệ thống miễn dịch của cơ thể có nhiều yếu tố, trong đó tế bào bạch cậu lympho T CD4 (gọi tắt là CD4) đóng vai trò chỉ huy, huy động các yếu tố miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh mỗi khi chúng xâm nhập vào cơ thể.
Sau khi xâm nhập vào cơ thể, HIV tấn công trực tiếp vào tế bào CD4, chúng nhân lên trong đó rồi dần dần phá hủy các tế bào này. Khi số lượng tế bào CD4 bị phá hủy càng nhiều thì khả năng chống lại bệnh tật càng yếu đi và cơ thể càng dễ bị mắc bệnh. Quá trình này diễn ra từ từ trong nhiều năm.
Một số loại mầm bệnh trước đây hiếm khi gây bệnh ở những người bình thường, nay nhân cơ hội hệ thống miễn dịch bị suy yếu (do HIV gây ra) để gây bệnh. Những bệnh này được gọi là nhiễm trùng cơ hội, như lao, nấm do Cryptococcus, hội chứng suy mòn, viêm phổi do preumocystis carinii, nấm miệng, nấm thực quản, viêm phổi, bạch sản dạng lông ở lưỡi…
Cũng có một số người vẫn khỏe mạnh khi lượng tế bào CD4 đã giảm thấp. Nhưng khi bị các nhiễm trùng cơ hội, thì bệnh thường rất nặng và dẫn đến tử vong nhanh do số lượng CD4 còn quá ít, và khả năng chống đỡ lại các yếu tố gây bệnh của cơ thể rất kém. Do vậy, lượng CD4 vẫn được coi là một chỉ báo quan trọng về tình trạng sức khỏe của người nhiễm HIV.
AIDS là gì
AIDS là tên gọi tắt bằng tiếng Anh: Acquired Immuno Deficiency Syndrom có nghĩa là Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải. Bao gồm một nhóm các biểu hiện (triệu chứng) như: sốt, tiêu chảy, sụt cân, nổi hạch.v.v…. do một căn bệnh nào đó gây ra.
AIDS không phải là hội chứng bẩm sinh, mà là hội chứng mắc phải do nhiễm HIV gây ra và là giai đoạn cuối của quá trình nhiễm HIV.
Sự khác nhau giữa nhiễm HIV và AIDS
– HIV là tên thường gọi của virus. Người mang HIV trong máu thường được gọi là người nhiễm HIV.
– AIDS là tên gọi chỉ giai đoạn cuối của quá trình nhiễm HIV. Những người nhiễm HIV ở giai đoạn chuyển thành AIDS thường được gọi là bệnh nhân AIDS.
Quá trình từ nhiễm HIV thành AIDS trong cơ thể người qua 4 giai đoạn
Giai đoạn sơ nhiễm HIV (giai đoạn chuyển đổi huyết thanh, hay còn gọi là giai đoạn cửa sổ). Sau khi bị nhiễm HIV một thời gian khoảng 3 tuần đến 3 tháng hoặc lâu hơn, cơ thể mới sinh ra kháng thể chống lại HIV (kháng thể là chất do hệ miễn dịch sinh ra để chống lại các kháng nguyên – là các vi sinh vật gây bệnh) còn ít nên chưa thể phát hiện được bằng các phương pháp xét nghiệm máu thông thường (phương pháp xét nghiệm tìm kháng thể). Do vậy người ta còn gọi giai đoạn này là “giai đoạn cửa sổ”.
Trong giai đoạn này, nhìn chung người nhiễm HIV không có biểu hiện triệu chứng bệnh nào. Một số người nhiễm HIV (khoảng 20 – 50%) có thể có các triệu chứng giống như cảm cúm (sốt nhẹ, đau đầu, ngứa họng, mỏi nhừ người, khó chịu…), nhưng các triệu chứng này sẽ tự mất đi sau vài ngày, vài tuần nên cả người nhiễm, người ngoài, hay bác sĩ đều không thể nhận biết được.
Vào cuối thời kỳ cửa sổ, lượng kháng thể tăng cao, đến mức có thể phát hiện được người nhiễm HIV bằng các phương pháp xét nghiệm máu thông thường. Có nghĩa là huyết thanh từ “âm tính” đã chuyển sang “dương tính”, do vậy người ta còn gọi đây là giai đoạn “chuyển đổi huyết thanh”.
Cần lưu ý rằng giai đoạn cửa sổ là giai đoạn nguy hiểm. Vì chưa có kháng thể hay lượng kháng thể còn ít, nên HIV “sản sinh” rất nhanh và do vậy khả năng lây truyền từ người này sang người khác là rất lớn, trong khi đó ta không biết ai là người nhiễm và bản thân người nhiễm cũng không biết mình bị nhiễm. Đây chính là cơ sở khoa học để đặt ra yêu cầu dự phòng phổ cập, nghĩa là dự phòng HIV trong mọi trường hợp có tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch tiết sinh học của người khác.
Giai đoạn nhiễm HIV không triệu chứng:
Một thời gian dài sau thời điểm “chuyển đổi huyết thanh” (có thể kéo dài 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn tùy thuộc vào thể trạng của người mang HIV) trong cơ thể người nhiễm lượng kháng thể ở mức cao, còn lượng HIV ở mức thấp, nên nhìn chung người nhiễm HIV vẫn không có biểu hiện của các triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, ở bên trong cơ thể người nhiễm HIV “cuộc chiến đấu không khoan nhượng” giữa HIV và hệ thống miễn dịch vẫn tiếp tục xảy ra.
Giai đoạn cận AIDS: Ở giai đoạn này, trong cơ thể người nhiễm HIV, lượng kháng thể bắt đầu suy giảm, đồng thời lượng HIV bắt đầu tăng nhanh và ở người nhiễm HIV đã bắt đầu xuất hiện các triệu chứng bệnh khác nhau. Các triệu chứng thường gặp là: sưng hạch kéo dài nhưng không đau ở nhiều nơi trên cơ thể (phổ biến là sưng hạch ở vùng cổ và nách) và các triệu chứng khác như sụt cân, sốt, đổ mồ hôi trộm, tiêu chảy, rối loạn cảm giác, giảm sút trí nhớ, tổn thương ở da…
Giai đoạn AIDS: Đây là giai đoạn cuối cùng của quá trình lây nhiễm HIV. Vào giai đoạn này, lượng kháng thể trong cơ thể người nhiễm HIV suy giảm mạnh, ngược lại lượng HIV tăng lên nhanh chóng, hệ thống miễn dịch bị suy giảm hoàn toàn và người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS với những bệnh cảnh của nhiễm trùng cơ hội và ung thư dẫn đến tử vong.
Xem thêm