Những điều cần biết về bệnh giang mai ở nam giới
Giang mai là bệnh xã hội do xoắn khuẩn giang mai gây nên, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong. Bệnh giang mai thường lây lan qua đường tình dục và có thể bắt gặp ở cả nam và nữ giới. Trong bài viết này, vtvcantho xin chia sẻ rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh giang mai ở nam giới, các bạn cùng tìm hiểu nhé.
Triệu chứng của bệnh giang mai ở nam giới
Giai đoạn 1: Sau 1 – 3 tuần nhiễm xoắn khuẩn giang mai (thời gian ủ bệnh), trên da hoặc bộ phận sinh dục của nam giới (thân dương vật, rãnh quy đầu, quy đầu, hậu môn,…) sẽ xuất hiện các săng giang mai. Săng giang mai là những đốm viêm loét lõm, hình tròn hoặc bầu dục có bán kính 1-2cm, có màu hồng tươi, viền bóng mượt, sờ vào ráp cứng như sụn, không mủ, không đau, không ngứa. Sau một thời gian khoảng 6 -8 tuần các săng giang mai này sẽ tự mất đi mà không cần chữa trị, lúc này giang mai đã ngấm vào máu và chuyển sang giai đoạn 2.
Giai đoạn 2: Sau một thời gian săng giang mai biến mất, trên niêm mạc, da của nam giới lại xuất hiện các nốt ban đỏ hoặc thâm tím giống cánh hoa, ngoài ra còn kèm theo các triệu chứng như: nổi hạch, sốt, đau đầu, chán ăn, cơ thể suy nhược, rụng tóc, rụng lông. Đó là những biểu hiện bệnh giang mai giai đoạn 2 ở nam giới.
Giai đoạn 3: Theo các chuyên gia, trung bình giai đoạn 3 của bệnh giang mai rơi vào khoảng 15 năm sau khi nam giới bị bệnh, sớm nhất là 3 năm và muộn nhất 46 năm. Khi bước vào giai đoạn này, trên da bệnh nhân sẽ xuất hiện gôm củ giang mai (là những u phồng trên da như hạt ngô hình bầu dục, có màu hồng đỏ hoặc thâm tím, mọc cách đều trên da). Củ giang mai có thể tự teo hoặc lở loét, khó lành và sau khi lành thì thường để lại sẹo. Ngoài ra, nội tạng của người bệnh sẽ bị xoắn khuẩn giang mai phá hủy, gây ra các bệnh như: giang mai thần kinh, giang mai tim mạch, viêm màng não … có thể dẫn đến nguy cơ tử vong nếu không được chữa trị.
Nguyên nhân của bệnh giang mai ở nam giới
Do quan hệ tình dục không an toàn với đối tác mang bệnh: Bởi giang mai là một bệnh xã hội nên con đường lây truyền bệnh nhanh và phổ biến nhất là thông qua việc quan hệ tình dục không an toàn với bạn tình dương tính với xoắn khuẩn giang mai. Việc quan hệ tình dục ở đây tính cả các hình thức quan hệ qua đường âm đạo, hậu môn và quan hệ qua đường miệng không bảo vệ.
Tiếp xúc với vết thương hở của người bệnh: Vi khuẩn giang mai khi xâm nhập vào cơ thể nhanh chóng đi vào huyết thanh, máu của người bệnh. Do vậy khi người nào đó vô tình tiếp xúc với các vết thương hở mang dịch, máu chứa khuẩn giang mai cũng có thể bị lây nhiễm bệnh.
Lây qua đường máu: Vô tình truyền máu của người bị giang mai cũng là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này.
Ôm hôn, hoặc tiếp xúc thân mật với người bệnh cũng là nguyên nhân lây truyền căn bệnh này, tuy nhiên tỷ lệ này khá ít.
Biến chứng của bệnh giang mai ở nam giới
Bệnh giang mai ở nam giới nếu không chữa trị kịp thời và dứt điểm thì thường để lại những biến chứng khá là nguy hiểm cho cuộc sống sau này. Dưới đây là những biến chứng có thể coi là nguy hiểm và nghiêm trọng nhất.
– Các triệu chứng của bệnh giang mai ở nam giới nếu không điều trị thì nó sẽ tự biến mất thậm chí còn không để lại bất cứ dấu vết gì. Nhưng lúc này nó lại xuất hiện một số biến chứng khác như viêm giác mạc, viêm võng kết, viêm khớp…
– Nghiêm trọng hơn có thể gây ảnh hưởng với hệ thần kinh trung ương từ đó gây ra bệnh viêm màng não, u não…
Cách điều trị bệnh giang mai ở nam giới
Bệnh giang mai càng được chữa trị sớm khả năng khỏi càng cao. Ngược lại giang mai ở cuối giai đoạn tiềm ẩn và trong giai đoạn cuối không thể chữa khỏi triệt để được, các phương pháp áp dụng chỉ nhằm làm giảm sự tiến triển của bệnh và hạn chế những biến chứng do bệnh mang lại.
Cách điều trị giang mai trong giai đoạn đầu (thời kì 1 và 2): Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ tiêm hoặc uống liều duy nhất.
Điều trị giang mai giai đoạn cuối: Cũng tiêm các liều thuốc theo chỉ định của bác sĩ có thể dùng liều cao liên tục trong khoảng 10 ngày.
Ngoài ra người bệnh cần lưu ý sau khi chữa bệnh khoảng 3 tháng người bệnh cần đi làm xét nghiệm lại. Trong 2 đến 3 năm tiếp theo cứ 6 tháng đi kiểm tra 1 lần để chắc chắn bệnh đã chữa khỏi tận gốc. Trường hợp bệnh có dấu hiệu tái phát, bác sỹ sẽ phải tăng gấp đôi liều lượng thuốc.
Các biện pháp trên chỉ có thể chữa được bệnh giang mai chứ không làm mất các tổn thương do giang mai gây ra trước đó.
Bệnh giang mai ở nam giới là căn bệnh xã hội nguy hiểm nhưng nếu phát hiện và điều trị kịp thời thì hoàn toàn có thể chữa dứt điểm được. Chính vì thế, khi thấy cơ thể có những triệu chứng bất thường thì bạn hãy nên đi khám và điều trị tận gốc, để phòng tránh bệnh biến chứng ra những căn bệnh nguy hiểm khác.
Xem thêm