Mùa thanh long thất bát
Mùa thanh long chính vụ đang sắp kết thúc. Mặc dù còn 1- 2 đợt thu trái nữa nhưng nông dân Nam Bộ không còn “khí thế” trồng trọt bởi thua lỗ nặng nề.
Giá ruột đỏ bằng ruột trắng
Ngay khi vừa bắt đầu vào mùa thu hoạch từ giữa tháng 4 đến nay, giá thanh long đã trượt dốc không phanh, từ 15.000 đồng/kg loại ruột trắng rớt còn 3.000 đồng/kg, thậm chí có lúc tại Long An còn có 1.000 đồng/kg. Anh Nguyễn Hải Bình – nông dân trồng thanh long ở xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An, buồn bã:
“Vụ này trồng thanh long lỗ nặng, thương lái chẳng buồn vào vườn thu mua như mọi năm. Tui chạy đi năn nỉ họ năm lần bảy lượt mới chịu mua cho với giá có 3.000 đồng/kg, thanh long loại nhỏ còn có 1.000 đồng/kg, trong khi mọi năm còn có giá 7.000 – 10.000 đồng/kg. Nghe xong hết muốn thu hoạch luôn vì công hái trái đã gần bằng chừng đó”. Vụ thanh long này, anh Bình lỗ 50 triệu đồng trong khi mọi năm thì lời từ 50 – 70 triệu đồng.
Nhưng đau đớn hơn, bà con trồng thanh long ở Nam Bộ chưa từng chứng kiến vụ nào mà giá thanh long ruột đỏ lại rớt và ngang bằng với thanh long ruột trắng như vụ mùa năm nay. Trong khi thông thường giá thanh long ruột đỏ luôn cao hơn thanh long ruột trắng gấp 3, thậm chí gấp 5 lần do khó trồng hơn, năng suất lại thấp (vì sâu bệnh nhiều) nhưng vị ngon ngọt hơn.
Ông Lê Thanh Hải – Chủ nhiệm HTX Thanh long hữu cơ ở xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, khi nghe phóng viên hỏi thăm về tình hình giá cả thanh long ruột đỏ, chán chường nói: “Còn nhớ lúc đầu năm, giá thanh long ruột đỏ tới 70.000 đồng/kg, khi ấy thanh long ruột trắng chỉ ở mức 15.000 – 17.000 đồng/kg. Sau đó 1- 2 tháng, giá bắt đầu trượt dần, đến lúc vào vụ thu hoạch chính vụ tháng 4, tháng 5 giá còn có 15.000 đồng, rồi 10.000 đồng, 7.000 đồng/kg, giảm gấp 10 lần so với hồi đầu năm 2014 làm chúng tôi lỗ sặc máu”.
Ông Hải cho biết thêm, HTX có 8ha trồng thanh long ruột đỏ nhưng vụ mùa năm nay doanh thu chưa bằng 3ha thanh long ruột trắng. Thanh long ruột đỏ năng suất thấp, 8ha chỉ thu hoạch được 11 tấn nhưng phải đổ bỏ hết 5 tấn do bị nhiễm nấm trắng, 6 tấn còn lại bán được có 45 triệu đồng, không đủ để trả lương cho 14 nhân công mà HTX thuê chăm sóc vườn thanh long (khoảng 60 triệu đồng), chứ chưa tính các khoản chi phí khác như giống, phân bón, điện, nước… Bởi thế dù hiện tại giá thanh long đã nhích lên một chút, được 14.000 – 15.000 đồng/kg do đang vào cuối vụ và vườn nhà ông còn 1-2 đợt thu trái nữa nhưng ông chẳng còn lòng dạ nào trồng trọt tiếp.
Tăng tốc mở thị trường
Theo ông Trần Hữu Danh – Giám đốc Công ty TNHH Long Việt (Tiền Giang), giá thanh long giảm do thị trường Trung Quốc chậm ăn hàng từ sự việc kiểm tra tải trọng xe tải vào tháng 4 đến tình hình căng thẳng ở Biển Đông hiện nay. Trong khi thị trường này tiêu thụ tới 70 – 80% tổng sản lượng thanh long xuất khẩu của cả nước.
“Mấy ngày nay họ (Trung Quốc – PV) siết chặt việc xuất nhập khẩu tiểu ngạch làm tình hình xuất khẩu thanh long càng thêm khó khăn. 80%, thậm chí 90% sản lượng thanh long của công ty là xuất khẩu qua thị trường này, nên thời gian qua doanh thu của công ty giảm rất nhiều, từ đó cũng ảnh hưởng đến giá cả trong nước. Công ty đang xúc tiến đẩy mạnh các thị trường khác như EU, Mỹ, Nhật, Ấn Độ… nhưng yêu cầu về chất lượng sản phẩm của các nước này cao và khắt khe hơn nên sản lượng xuất đi chưa nhiều” – ông Danh phân tích.
Trước những khó khăn của thị trường, ông Nguyễn Văn Kỳ – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, hiệp hội đang kiến nghị các cơ quan chức năng tiếp tục tạo thuận lợi cho tổ chức sản xuất rau quả tập trung như thành lập các trang trại, HTX nông nghiệp.
Từ đó tập trung áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt như VietGAP, GlobalGAP để đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính. Đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá tiêu thụ rau quả Việt Nam cả trong và ngoài nước; kiến nghị xem xét miễn, giảm thuế thu nhập đối với các doanh nghiệp kinh doanh rau quả xuất khẩu ở mức là 5%, thay vì 20%.
Bộ NNPTNT cũng đang tích cực mở rộng thị trường xuất khẩu trái cây, trong đó có thanh long. Nhiều thị trường khó tính đã được mở như Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, mới đây là New Zealand, Ấn Độ. “Các thị trường đều có sự tăng trưởng tốt. 6 tháng đầu năm 2014, Việt Nam xuất khẩu thanh long qua Mỹ được gần 950 tấn, dự kiến cả năm sẽ được khoảng 2.000 tấn, trong khi cả năm 2013 chỉ được 1.200 tấn” – TS Nguyễn Hữu Đạt- Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (Cục Bảo vệ thực vật) cho biết.
Dự kiến trong năm nay, Đài Loan sẽ mở cửa lại cho thanh long Việt Nam. Thị trường này dự kiến tiêu thụ hàng năm đến 20.000 tấn thanh long. Khi đó Việt Nam có chạy hết công suất của 4 nhà máy xử lý hơi nước nóng theo yêu cầu của họ thì cũng chỉ mới đáp ứng được có 25% nhu cầu của thị trường này.
Nguồn: Dân Việt