Kỹ thuật trồng cây gai xanh chi tiết nhất
Từ lâu người ta đã biết dùng cây gai xanh trong việc sản xuất sợi làm vải. Cho đến nay, công dụng này của gai xanh vẫn còn được người dân tận dụng triệt để. Tuy nhiên, trước tình hình “cầu nhiều hơn cung” như hiện nay, việc trồng cây gai xanh là điều trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
1. Chọn đất trồng thích hợp cho cây gai xanh (cây lá gai, Rami)
Cây gai không quá kén chọn loại đất nhưng tính chất vật lý và độ màu mỡ của đất cũng có ảnh hưởng nhất định với sự trưởng thành sinh trưởng của cây gai. Trồng gai ở thổ nhưỡng quá dính, hệ rễ sinh trưởng sẽ chịu ảnh hưởng, nhất là khi đất bị trữ nước, gốc gai sinh trưởng chậm chạp, lá gai biến thành màu vàng, gốc gai dễ bị thoái hóa sớm.
Đất có hàm lượng đá sỏi quá nhiều hoặc đất cát bị cằn, do kết cấu thổ nhưỡng kém, chất hữu cơ ít, độ đạm thấp, không thể giữ nước giữ đạm, hệ rễ không phát triển, sinh trưởng không tốt, ảnh hưởng đến sản lượng. Thông thường trồng gai ở các vùng đất màu mỡ có lớp đất dày trên 75 cm là tốt nhất.
Chọn đất trồng gai nên căn cứ vào đặc điểm từng loại đất, chọn đất tương đối màu mỡ, tiêu nước tốt, chống gió, đón nắng mặt trời, độ dốc nhỏ hoặc đất rộng nối liền tập trung giữa núi hoặc giữa đồi để trồng cây gai là tốt nhất.
2. Kỹ thuật trồng cây gai xanh (Rami, cây lá gai)
Cây gai là loại cây rễ sâu, thân và hệ rễ dưới đất rộng, nên chất lượng toàn bộ đất có ảnh hưởng trực tiếp tới sự sinh trưởng, trưởng thành và tuổi thọ của hạt gai, bởi thế nhất định phải đào sâu toàn bộ đất, làm tơi đất, cải thiện kết cấu đất, trồng dày thêm nhiều tầng. Với thổ nhưỡng quá dính, nên trộn thêm cát hoặc phân tro để cải thiện kết cấu thổ nhưỡng.
Với đất đồi hoặc đất núi, thông thường trước khi trồng gai nên đào sâu khoảng 1 thước, xới đất bên dưới lên, lật đất bên trên xuống, trồng dầy thêm nhiều tầng, xới tung các miếng đất, loại bỏ cỏ, làm thông kênh thoát nước, nối liền các thửa lại với nhau thành khoảng lớn, căn cứ vào địa hình địa thế mở rộng hợp lý, sau đó trồng gai.
Khu đất bằng phẳng, đất thường màu mỡ, nhưng vị trí nước ngầm khá cao, điều kiện thoát nước kém, nên sau khi làm tung các miếng đất lên, nên mở rộng trồng gai, rãnh thoát nước ở 4 phía, đề phòng nước tù.
2.1. Làm đất và lên luống
2.1.1. Làm đất
Đất trồng gai là đất bãi bồi phù sa có pH = 6 – 7, hoặc đất đồi núi có pH= 5 – 5,5.
Cây gai rất cần độ ẩm của đất nhưng bị chết nhanh chóng khi đất ngập nước. Do vậy ở trên ruộng bậc thang ở đồi núi hay ruộng ở bãi ven sông và đồng bằng cần bố trí có nơi cho nước vào và nơi tháo nước chảy đi, không để đất ngập nước.
2.1.2. Lên luống trồng cây gai xanh
Bề mặt luống rộng 50 – 60 cm, cao 10 – 15 cm, giữa hai luống cách nhau 40 – 50 cm làm lối đi và nơi cung cấp nước và bón phân sau khi trồng.
Đối với ruộng bậc thang trên đất dốc thì luống nên bố trí theo đường đồng mức của ruộng bậc thang.
Đối với đất đồng bằng ven bãi thì luống nên bố trí song song với dòng sông.
2.1.3 Đào hố trồng cây
Sau khi lên luống thì tiến hành đào hố để chuẩn bị đưa cây vườn ươm ra trồng.
Hố sâu 10 – 15 cm, rộng 20 x 20 cm. Hố cách hố là 25 cm.
Bón lót bằng 1/2 kg phân chuồng có trộn với 50 g bào tử nấm từ 2 loại thuốc Biobauve 5DP và Vimetarzim 95DP để trừ ấu trùng cánh cứng, rệp sáp và mối ăn cây sống.
Xới trộn đều thuốc với phân bón lót và lấp một lớp đất mỏng trên mặt hố.
2.1.4. Thời vụ trồng cây gai xanh (cây rami)
Thời vụ trồng rất quan trọng đến tỷ lệ sống của cây gai con. Tùy từng địa phương nên chọn thời vụ trồng cây Rami vào đầu mùa mưa. Không nên trồng cây Rami vào mùa khô hạn
2.1.5. Kỹ thuật trồng cây gai xanh
Khi cây con trong vườn ươm đã cao 15 – 20 cm thì có thể đem ra trồng trên những thửa đất đã chuẩn bị trước.
Mỗi hố trồng 2 cây để phòng năm thứ 3 – năm thu hoạch lớn có nhiều cây bị thối gốc phải loại bỏ bớt cây.
Khi đã trồng xong cần lấp một lớp đất mỏng ngay miệng bầu ươm.
Nếu bầu ươm là nilon không hủy thông thường bán trên thị trường thì cần dùng dao nhỏ rạch bỏ vỏ bầu trước khi trồng.
Nếu dùng vỏ bầu là nilon tự hủy thì có thể đưa cả bầu xuống hố. Sau vài ba tháng khi rễ phát triển, vỏ bầu tự phân hủy, cho rễ phát triển ra ngoài vỏ bầu.
2.2. Bón phân cho cây gai xanh (cây lá gai)
Chất dinh dưỡng chủ yếu cây gai cần thiết là nitơ, phốtpho, kali, là cơ sở để cây gai sinh trưởng và phát triển.
Vào giai đoạn giữa và cuối quá trình sinh trưởng của gai, rắc lên mặt lá tro đốt cỏ là một biện pháp quan trọng để tăng sản lượng.
Lượng dinh dưỡng hấp thụ được trong ba mùa mỗi năm của mỗi hecta gai là đạm urê: 220 kg, lân Văn Điển 41 kg, kali 129 kg.
Ngoại trừ các nguyên tố đạm, phốtpho, kali và canxi ra, các nguyên tố vi lượng như bo, mangan, kẽm, đồng, magiê cũng có tác dụng nhất định đối với sản lượng và chất lượng gai, nếu thiếu hoặc quá nhiều cũng khiến gai sinh trưởng kém.
Phân vi sinh dùng bón cho cây gai là phân được tạo từ than bùn (hàm lượng axit humic từ 1,5 – 2%) kết hợp với N.P.K (2.3.5). Vi sinh ở đây dùng nấm cộng sinh cho cây gai là Mycorrhiza. Loại nấm cố định đạm cho cây gai. Ngoài ra còn dùng các nấm phân giải xenlulo phân giải oxit phốtpho có trong đất.
Vì nhu cầu cần nước của cây gai rất lớn nên giúp cho đất giữ được nước cho gai cần đưa vào phân vi sinh tỷ lệ chất giữ nước.