Dịch bệnh trên cá tra vẫn trong tầm kiểm soát

Theo thông tin ghi nhận từ các địa phương từ đầu năm 2015 đến nay, cả nước có trên 128,6 ha cá tra bị thiệt hại do dịch bệnh…

 

Số cá tra bị bệnh tập trung chủ yếu tại 44 xã, thuộc 19 huyện của 4 tỉnh, thành phố (An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Vĩnh Long). Bệnh phát sinh và gây thiệt hại chủ yếu trên cá giống và cá nuôi thương phẩm ở giai đoạn nhỏ (dưới 200 g) và chủ yếu do bệnh xuất huyết, gan thận mủ, lở loét và do ký sinh trùng ký sinh. Nguyên nhân gây thiệt hại chủ yếu là do thời gian qua bị ảnh hưởng của không khí lạnh, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm quá lớn khiến sức đề kháng của cá bị suy giảm, tạo điều kiện thuận lợi để các loại mầm bệnh tấn công.

Bên cạnh đó, người nuôi có thói quen mua con giống trôi nổi với giá rẻ, không qua kiểm dịch thú y, con giống đầu vào không khỏe mạnh, cá bị yếu ngay từ khi bắt đầu thả nuôi. Ngoài ra, phần lớn người nuôi chỉ nuôi theo kinh nghiệm, không có bố trí ao lắng, lọc mà trực tiếp thải nước ra và lấy nước vào cùng nguồn nước mặt trên các kênh, rạch. Hệ lụy là người này xả thải ra, người kia lấy vào và ngược lại, do vậy mầm bệnh có sẵn trong nguồn nước và làm dịch bệnh lây lan. Môi trường ô nhiễm, thời tiết khắc nghiệt cũng là nguyên nhân gây chết cá. Trong thời gian gần đây, trên thông tin đại chúng có xuất hiện thông tin về việc cá tra bị chết nhiều (chết trắng) tại An Giang… Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế của Cục Thú ytại các địa phương, hiện tượng cá tra chết đã xảy ra từ 2 tháng trước đây (giữa tháng 1/2015) trong thời gian 7 ngày tại nhà ông Trần Văn Tưởng trên 1 ao (3.000m2) trong tổng số 5 ao nuôi. Đây là ao ương từ cá tra bột lên cá tra giống, nghi do bệnh xuất huyết, tỷ lệ hao hụt không xác định được vì chủ cơ sở không biết được số lượng cá trong ao tại thời điểm bị bệnh.

Ngay sau khi phát hiện cá tra bị bệnh, Trạm Thú y huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) đã cử cán bộ thú y thủy sản đến địa bàn có cá chết hướng dẫn phòng trị bệnh cho cá; ngay sau đó dịch bệnh đã được kiểm soát và hiện tại cả 5 ao nuôi cá của nhà ông Tưởng đều không còn cá bị chết nữa. BộNN-PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y và Chi cục Thú y các tỉnh phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Cá tra Việt Nam triển khai thực hiện “Kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh trên cá tra giai đoạn 2015 – 2020” theo Quyết định số 4995/QĐ-BNN-TY ngày 20/11/2014 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nhằm kiểm soát, hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi cá tra, đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu. Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả cần có sự phối hợp giữa chặt chẽ của người nuôi, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cá tra..

 Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam