Công dụng của cây huyết dụ và những bài thuốc ứng dụng
Như tên gọi của mình, cây huyết dụ là loài cây chuyên dùng để chữa những bệnh liên quan đến máu huyết. Nếu bạn bị chảy máu cam, rong kinh,..thì hãy chuẩn bị cho mình một cây huyết dụ. Những công dụng của cây huyết dụ mang lại sẽ khiến bạn phải bất ngờ.
Sơ lược về cây huyết dụ
Huyết dụ còn tên gọi là phật dụ, thiết thụ (trung dược), chổng đeng (Tày), co trướng lậu (Thái), quyền diên ái (Dao), có tên khoa học là cordyline terminalis kunth.
Có hai loại cây huyết dụ, loại lá đỏ cả hai mặt và loại lá đỏ một mặt còn mặt kia màu xanh. Cả hai loại đều được dùng làm thuốc, nhưng loại hai mặt đỏ tốt hơn.
Theo đông y, huyết dụ vị nhạt, tính mát, tác dụng làm mát máu, bổ huyết, cầm máu lại vừa làm tan máu ứ, giảm đau phong thấp nhức xương trị rong kinh, xích bạch đới, kiết lỵ, lậu, sốt xuất huyết, thổ huyết, ho ra máu, tiểu tiện ra máu.
Một số công dụng và cách dùng cây huyết dụ
– Chữa chảy máu cam và chảy máu dưới da: Lá huyết dụ tươi 30g, lá trắc bá (sao cháy) và cỏ nhọ nồi mỗi vị 20g, sắc uống đến khi khỏi.
– Chữa rong kinh: Lá huyết dụ 20g, rễ cỏ tranh 10g, đài tồn tại của quả mướp 10g, rễ cỏ gừng 8g. Tất cả thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.
– Chữa bị thương ứ máu hay phong thấp đau nhức: Dùng huyết dụ cả lá, hoa, rễ 30g, huyết giác 15g, sắc uống đến khi khỏi.
– Chữa kiết lỵ ra máu: Lá huyết dụ 20g, cỏ nhọ nồi 12g, rau má 20g. Rửa sạch, giã nát, thêm nước, gạn uống. Dùng 2-3 ngày. Nếu bệnh không giảm thì nên đến cơ sở y tế khám xác định nguyên nhân để điều trị.
Lưu ý: Phụ nữ không nên dùng trước khi sinh con hoặc sau khi sinh xong mà bị sót nhau.
Hy vọng với những thông tin về công dụng của cây huyết dụ trên đây có thể giúp ích cho bạn. Thiết nghĩ, mỗi gia đình chúng ta nên tự trồng cho mình những cây huyết dụ, vừa làm sinh động thêm cho sân nhà, vừa giúp chúng ta sở hữu được loại cây tuyệt vời như cây huyết dụ.
Xem thêm:
Cách trồng cây huyết dụ và những lưu ý khi chăm sóc cây
Tổng hợp