Cách trồng cây dây nhện trang trí cho căn nhà thêm sinh động
Cây dây nhện được yêu thích trồng ở mọi nơi vì ngoài vẻ đẹp, cây còn có thể thanh lọc không khí. Đặt cây trong phòng ngủ sẽ giúp giấc ngủ sâu hơn nhờ cây hút khí CO2 vào ban đêm (ngược lại với hầu hết các loại thực vật khác), đem lại sự trong lành mát mẻ dễ chịu cho gia đình. Cây lại dễ trồng, xanh tốt quanh năm. Hãy cùng tham khảo Cách trồng cây dây nhện trang trí cho căn nhà thêm sinh động.
Đặc điểm cây dây nhện
Cây Dây Nhện có tên gọi khác là cây Lan Chi hoặc Lục thảo trổ, Cỏ mệnh môn. Cây thuộc thực vật thân thảo, phần thân ngắn bị bao phủ bởi nhiều lớp lá chồng lên nhau. Lá nhỏ mềm, dài nhọn tỏa ra xung quanh nhưng trông rất tao nhã. Màu lá xanh hơi nhạt, mép lá viền màu trắng. Cánh lá mỏng nhưng cứng và giòn.
Trồng cây trong một khoảng thời gian sẽ sinh trưởng ra cây con, mọc dài ra và lấy chất dinh dưỡng từ cây mẹ. Cây lớn sẽ rủ lá xuống khá tự nhiên, có thể cuốn thành vòng tròn hoặc tạo hình trang trí tùy thích.
Kỹ thuật trồng cây dây nhện
Nên chọn cây giống phiến lá có đường cong đẹp, dải màu trắng chạy dài theo lá rõ nét, đầu lá không bị vàng.
Nhân giống
Chúng ta có thể trồng cây dây nhện bằng phương pháp giâm cành, tách gốc và hạt.
– Giâm cành: Lấy một đoạn cây thân dài 5 – 10cm có mầm non cắm vào trong đất. Sau 7 ngày cành sẽ mọc rễ mới, sau 20 ngày có thể chuyển vào chậu, tưới đẫm nước sau đó đặt ở nơi râm mát.
– Tách gốc: Nhấc cây từ trong chậu ra, cắt hết gốc già, trên gốc sau khi được tách ra phải giữ lại 3 cành, sau đó có thể lần lượt đem trồng.
– Gieo hạt: Vào tháng 3 hàng năm, rắc hạt mầm vào đất đã chuẩn bị sẵn, phủ lên 0,5cm đất, giữ ở nhiệt độ 15 độ C, sau 2 tuần hạt có thể nảy mầm.
Đảm bảo điều kiện sinh trưởng
– Đất: Cây phù hợp với loại đất cát màu mỡ và thoát nước tốt. Có thể dùng đất sỏi, tơi xốp để khi trồng cây dễ dàng hấp thụ chất dinh dưỡng hơn.
– Ánh sáng: Là loại cây ưa bóng, kỵ ánh sáng mạnh, nhưng cây vẫn có thể phát triển được dưới ánh sáng khuếch tán trong thời gian dài. Vào mùa hè, không nên để cây phơi dưới nắng gắt thường xuyên vì sẽ làm thâm lá, chậm ra hoa hoặc khô héo đến chết.
– Nhiệt độ: Cây không chịu được lạnh giá cũng như nắng nóng, nhiệt độ sinh trưởng thích hợp là 20 – 35°C. Vào mùa đông nên duy trì nhiệt độ trên 4°C.
– Nước: Cây Dây Nhện thích ẩm ướt, hệ thống rễ của cây trữ nước rất tốt, nhưng không được để úng nước. Một tuần nên tưới nước đều đặn cho cây 1-2 lần. Ngày trời nắng nóng thì khoảng 2-3 lần/tuần. Vào những khi có mưa thì 1 tuần tưới 1 lần là cây đã xanh tốt. Đồng thời, có thể thường xuyên phun nước lên lá để làm sạch.
– Phân bón: Nếu cây không đủ chất dinh dưỡng thì dễ vàng lá, khô và héo cây. Bạn nên dùng phân hòa lẫn nước để bón 2 tuần/lần. Đối với cây có hoa thì bón thêm phân đạm.
Lưu ý: khi trồng cây dây nhện cần thường xuyên cắt tỉa các lá bị hư, héo úa. Lau chùi hoặc xịt bóng lá để cây bóng bẩy và đẹp bắt mắt hơn.
Cây dây nhện trồng thủy sinh
– Chọn bình: Có thể chọn bình dựa vào sở thích và cá tính bản thân vì cây thủy sinh không yêu cầu nhiều về bình. Chỉ cần là bình không lỗ đáy hoặc không quá dễ vỡ là được.
– Trồng cây: Người trồng chọn những cây có cụm lá nhỏ có rễ khí sinh và ra mầm dài khoảng 1cm, cắt từ dưới phần thân leo, dùng nilon hoặc miếng xốp kích thước 5cm X 5cm X 5cm đè kẹp gốc rồi đặt vào trong cốc cố định gốc. Cũng có thể trực tiếp đem các gốc nhỏ non cắm ngập vào trong bình đựng dưỡng chất để chúng sinh trưởng tự nhiên.
– Chăm sóc: Cần thêm nước 1 lần/tuần và bón dung dịch dinh dưỡng cho cây 1 lần/tháng để cây sinh trưởng tốt hơn. Khi mới trồng thì để dưỡng chất ngập rễ. Sau khi cây đã ra rễ thịt, rễ chùm thì giảm mực dưỡng chất ngập 2/3 rễ là được.
Có thể dùng dưỡng chất cho cây trồng vườn với nồng độ 1/3 nồng độ tiêu chuẩn, thời kỳ đầu khi mới cho dưỡng chất vào trong nước thì có thể pha loãng hơn.
Tóm lại, bạn có thể trồng cây dây nhện vào chậu đất hay chậu thủy sinh đều được, chỉ cần nắm vững những lưu ý ở trên.