Công dụng của cây nha đam và những lưu ý khi dùng

Từ lâu, nha đam trở thành nguyên liệu không thể thiếu trong các công thức làm đẹp của chị em. Tuy nhiên, ít ai nhận ra rằng công dụng của cây nha đam còn nhiều hơn thế rất nhiều…

Nha đam (còn gọi là lô hội, long thủ, cây dứa Tàu) đã được con người biết đến và sử dụng từ rất lâu. BS. Trần Hữu Vinh, Trưởng phòng Quản lý Y dược học cổ truyền, Sở Y tế TP. HCM, cho biết: Theo y học cổ truyền, nha đam có vị đắng, tính mát với tác dụng thanh nhiệt, giải độc, mát huyết, cầm máu, nhuận tràng.

Nhờ chất glycoprotein, nha đam có tác dụng chống viêm và giải dị ứng, giúp làm lành vết thương. Bên cạnh đó, nha đam còn giúp tăng cường giải độc cho cơ thể nhờ tăng cường chuyển hóa tại gan, thận; giúp loại trừ độc tố cho tế bào. Khi sử dụng nha đam, người dùng có thể sẽ bị xổ nhẹ, nhờ đó giúp đẩy hết những vi khuẩn độc trong ruột ra ngoài.

công dụng của nha đam
Công dụng của nha đam còn nhiều hơn những gì chúng ta nghĩ

Công dụng và cách dùng nha đam tốt cho sức khỏe

1. Thanh nhiệt: Nếu lịch học và làm việc khiến bạn phải kết thân một cách bất đắc dĩ với những hàng quán bán thức ăn ngoài đường hay những tiệm fast food thì bạn nên bổ sung nước hoặc chè nha đam đậu xanh vào thực đơn hàng tuần của bạn.

2. Hỗ trợ tiêu hóa: Nha đam nấu chung với đậu xanh sẽ là món chè giải nhiệt hoàn hảo, giúp thải độc tố trong cơ thể, đồng thời làm mát và dịu da. Bạn có thể dùng món chè này như một phương thuốc làm đẹp da vừa công hiệu lại cực kì…ngon!

3. Tăng cường sức đề kháng: Uống nước nha đam thường xuyên sẽ giúp bạn duy trì mức cân nặng khoẻ mạnh, đồng thời cung cấp các vitamin và khoáng chất quan trọng cho cơ thể. Nha đam không hề làm bạn béo lên mà lại giúp bạn duy trì nguồn năng lượng cho cơ thể hoạt động.

4. Chăm sóc da: Chất nhầy trong gel (phần thịt) của nha đam có khả năng thấm ướt, tạo độ ẩm cho da, giúp da dễ đàn hồi và giảm các nếp nhăn. Gel của chúng còn có tác dụng kích thích sự tổng hợp các collagen và sợi elastin, giúp ngăn chặn sự hủy hoại của da khi bị lão hóa. Trong quá trình chăm sóc da, chất gel này có tác dụng se lỗ chân lông, giảm mụn một cách hiệu quả.

5. Chống mỏi mắt: Nếu mắt của bạn mỏi, có quầng thâm, mi mắt nặng, hãy vận dụng công dụng của cây nha đam để chữa trị. Rất đơn giản, dùng một nhánh lô hội, gọt bỏ lớp vỏ xanh bên ngoài rồi đắp phần thịt lên mắt, nằm thư giãn trong vòng 15 phút.

6. Tác dụng kháng khuẩn: Những nghiên cứu gần đây đã chứng minh gel nha đam có tính sát khuẩn và gây tê. Dùng để sát trùng, thanh nhiệt, thông tiểu. Làm êm dịu vết thương khi bị phỏng nhẹ, khi bị côn trùng châm chích. Nhũ dịch được bào chế từ nha đam dùng để chế các loại thuốc trị Eczema hay các mụn chốc lở, làm mau kéo da non ở vết thương. Dịch tươi nha đam có tính kháng khuẩn lao (in vitro).

7. Tác dụng xổ, nhuận trường: Từ Hypocrate đến Hải Thượng Lãn Ông đã biết đến đặc tính nhuận trường, nhuận gan, điều kinh của Nha đam.

– Liều thấp: 20-50mg nhựa Aloe khô có tính bổ đắng, kiện tỳ vị, nhuận gan.

– Liều vừa: 100mg (3-5 lá tươi): Sát trùng đường ruột, điều kinh, nhuận trường, xổ.

– Liều cao: 200-500mg (10-20 lá): xổ mạnh.

8. Trị viêm loét dạ dày: Uống gel tươi của lá nha đam. Cứ vài giờ uống một muỗng canh gel tươi lúc bụng không có thức ăn sẽ làm lành vết viêm loét dạ dày (không được quá 400mg gel tươi/ngày).

9. Trị bệnh ngoài da: Dịch nha đam tươi có tác dụng làm săn da, làm nhỏ lỗ chân lông. Bôi gel tươi hàng ngày lên mặt có tác dụng ngừa nám, làm mịn da, ngừa mụn…

10. Phòng ngừa sỏi niệu: Các Anthraquinon sẽ kết hợp các ion Calcium trong đường tiểu thành hợp chất tan được để tống ra ngoài theo nước tiểu.

công dụng của cây nha đam

Khi sử dụng nha đam có cần lưu ý gì không?

+ Thực chất, nha đam có tính mát lại chứa nhiều khoáng chất như: Kẽm, Vitamin C, Vitamin E nên về mặt nào đó công dụng của cây nha đam là có thể làm lành da, chống lão hóa tế bào. Tuy nhiên, trước khi sử dụng cây nha đam tươi để làm đẹp cần tuân thủ những bước sau: Chọn bẹ nha đam nhỏ, màu xanh nhạt. Gọt bỏ lớp vỏ xanh. Rửa sạch dưới vòi nước chảy để làm sạch lớp nhựa.

+ Ngoài ra, khi sử dụng nha đam cũng cần có những lưu ý: mỗi tối chỉ nên đắp một lớp nhựa mỏng và đắp từ từ mang tính thăm dò. Nếu thấy da thích ứng được với lô hội thì chúng ta có thể để 10 – 15 phút, rồi rửa sạch mặt. Không nên đắp hàng tảng dày và để qua cả đêm, như vậy có thể gây dị ứng da

+ Nha đam nhuận tràng, gây tiêu chảy và làm giảm ion kali trong cơ thể. Bởi vậy, người đang dùng thuốc Digoxin chữa suy tim, thuốc lợi tiểu, thuốc kháng đông, thuốc chống rối loạn nhịp… nên chú ý vì nha đam có thể gây tăng tác dụng phụ của thuốc.

+ Do có tác dụng làm giảm đường huyết nên nha đam sẽ gây khó khăn trong việc kiểm soát mức đường huyết trong và sau phẫu thuật. Bởi vậy, nên ngừng dùng lô hội ít nhất hai tuần trước khi phẫu thuật. Bệnh nhân sau phẫu thuật cũng không nên dùng.

+ Người mắc bệnh trĩ, viêm ruột không nên dùng vì anthraquinon trong nhựa nha đam gây kích thích đại tràng, sung huyết làm bệnh nặng hơn.

+ Người hay lạnh, hư hàn, tiêu chảy, huyết áp thấp tốt nhất nên tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn

+ Không nên bôi trực tiếp nha đam vì dễ bị kích ứng gây viêm loét. Đối với da nhạy cảm nên test trước khi bôi.

+ Chỉ nên sử dụng phần thịt trong suốt bên trong lá nha đam, cắt lát mỏng đắp trên bề mặt da.

+ Bạn cũng có thể dùng lòng trắng trứng gà cho vào bát sạch, đánh nổi bọt, thêm 5-10 giọt dịch nha đam vào đánh đều rồi sử dụng. Nếu chưa dùng ngay, bạn hãy cho vào tủ lạnh để bảo quản.

+ Trước khi đi ngủ, rửa mặt sạch, dùng dung dịch nha đam thoa đều lên bề mặt da, khoảng 15-20 phút, rửa sạch bằng nước ấm. Cuối cùng, massage nhẹ nhàng da mặt trong vài phút.

+ Bạn cũng có thể dùng gel nha đam thoa lên da đầu và tóc, lấy khăn trùm lại để khoảng 10-15 phút, sau đó gội sạch bằng nước ấm và dầu gội đầu bình thường.

+ Khi muốn lấy chất dịch từ cây nha đam, bạn hãy chọn những lá to, rửa sạch, để khô. Sau đó, gọt sạch phần vỏ xanh, đem xát hoặc giã nhuyễn rồi dùng gạc mỏng hoặc phin cà phê lọc bỏ bã.

+ Trong dịch nha đam có chất gây kích thích da, gây ngứa. Nếu da bạn quá mẫn cảm, nên sắc cô đặc phần dịch, sau đó sử dụng dần hoặc bảo quản trong tủ lạnh.

+ Không nên đắp mặt nạ nha đam thường xuyên, tốt nhất chỉ nên đắp 2-3 lần/tuần.

+ Người cao tuổi, phụ nữ có thai hãy cẩn thận khi sử dụng.

Trên đây là những công dụng của cây nha đam và những lưu ý khi dùng, hy vọng có thể giúp ích cho bạn.

Xem thêm:

Hướng dẫn chi tiết cách trồng cây nha đam tại nhà

Tổng hợp