Bệnh sỏi mật có những dấu hiệu nào?

Sỏi mật là một bệnh về đường tiêu hoá, do sự xuất hiện sỏi cholesterol và sỏi sắc tố mật. Nguyên nhân nào dẫn tới sự hình thành sỏi mật và bệnh sỏi mật có thể điều trị như thế nào? Hãy cùng mình trả lời những câu hỏi trên ngay sau đây nhé.

Sỏi mật là gì?

Sỏi mật là sự kết tụ thành khối rắn chắc của các thành phần có trong dịch mật, có thể được hình thành ở nhiều vị trí khác nhau trong hệ thống dẫn mật như sỏi túi mật, sỏi ống mật chủ, đường dẫn mật trong gan (sỏi gan)… Sỏi mật có 2 loại chính: sỏi cholesterol và sỏi sắc tố mật.

Nguyên nhân hình thành bệnh sỏi mật

Mật do gan tạo ra và được dự trữ trong túi mật. Những thành phần cơ bản trong mật là muối mật, bilirubin, và cholesterol. Sỏi mật được hình thành là do mất cân bằng các thành phần này. Cholesterol được giữ giới hạn bình thường là do nó hòa tan trong muối mật. Một sự gia tăng số lượng cholesterol trong mật làm quá khả năng hòa tan của muối mật sẽ dẫn tới hình thành sỏi cholesterol. Tương tự vậy, sự giảm số lượng muối mật cũng thúc đẩy việc hình thành sỏi cholesterol.  Sự giảm co bóp và túi mật rỗng, thường gặp ở thai kỳ, là một yếu tố quan trọng khác để hình thành sỏi cholesterol.

Sỏi sắc tố mật thường liên quan tới tình trạng nhiễm trùng mạn tính ở đường mật. Điều này thường thấy nhất ở các quốc gia Châu Á, nơi mà tình trạng nhiễm ký sinh trùng đường mật thường gặp. Những bệnh nhân mắc bệnh về máu có thể gây ra phá hủy hồng cầu nhiều làm gia tăng số lượng bilirubin trong mật, do đó gây ra hình thành sỏi sắc tố mật.

Triệu chứng của bệnh sỏi mật

Các triệu chứng của sỏi mật bao gồm:

– Rối loạn tiêu hoá: Đầy trướng, chậm tiêu, khó tiêu, sợ mỡ, táo bón, ỉa chảy sau bữa ăn.

– Đau bụng: Đau hạ sườn phải, kiểu cơn đau quặn gan, thường xảy ra sau bữa ăn nhiều mỡ, đau về đêm (lúc 22 – 24h). Khi đau kèm theo nôn, không dám thở mạnh. Cơn đau kéo dài vài giờ đến vài ngày.

– Sốt: Do có viêm đường mật, túi mật, nếu không viêm thì không sốt. Nếu sốt thường sốt cao đột ngột kéo dài vài 3 giờ. Sốt và đau hạ sườn phải đi đôi với nhau (đau nhiều thì sốt cao), sốt thường xảy ra sau cơn đau (có khi cùng hoặc trước). Có khi sốt kéo dài vài tuần, hàng tháng. Có khi sốt nhẹ 37,5 – 38 độ.

– Vàng da: Vàng da và niêm mạc xảy ra sau đau và sốt 1 – 2 ngày. Vàng da kiểu tắc mật (da, niêm mạc vàng, nước tiểu vàng, phân bạc). Vàng da có thể kèm theo ngứa, thuốc chống ngứa không có kết quả. Vàng da mất đi chậm hơn so với đau và sốt.

Dấu hiệu điển hình của bệnh sỏi mật, đó là: Tam chứng: Đau – sốt – vàng da (Tam chứng Charcot) tái phát nhiều lần, khoảng cách giữa các đợt có thể là vài tuần, vài tháng, hoặc vài năm.

Biến chứng của bệnh sỏi mật

Sỏi mật có thể không nguy hại, nhưng chính biến chứng của sỏi mật mới là vấn đề nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh. Sỏi có thể gây bán tắc đường mật từng đợt, nếu kéo dài (hay chuyển sang tắc hoàn toàn) sẽ dẫn đến viêm đường mật, túi mật (90% bệnh nhân bị sỏi đường mật nhập viện là do viêm đường mật, túi mật), viêm tụy cấp, tình trạng nặng là sốc nhiễm trùng đường mật, hoại tử túi mật và viêm phúc mạc, nhiễm khuẩn huyết, áp xe gan,… nếu không xử lý cấp cứu nhanh chóng kịp thời người bệnh có thể tử vong. Vì vậy, bên cạnh mục tiêu loại sỏi, thì người bệnh sỏi mật phải làm thế nào để chung sống hòa bình với sỏi và ngăn ngừa các biến chứng xảy ra.

Cách điều trị bệnh sỏi mật

Đối với sỏi túi mật:

– Dùng thuốc giúp tan sỏi, áp dụng đối với sỏi cholesterol dưới 1,5cm, tốt nhất với sỏi dưới 5mm, thời gian dùng kéo dài 6-24 tháng, ursodeoxycholic acid 8-10mg/kg trọng lượng.

– Tán sỏi bằng sóng, làm tan sỏi trực tiếp bằng hóa chất.

– Cắt túi mật qua nội soi: dùng với sỏi to, gây đau nhiều hoặc gây viêm túi mật, đây là phương pháp  hiện nay thường dùng phổ biến, rút ngắn thời gian nằm viện và  hồi phục sức khỏe nhanh.

– Cắt túi mật bằng mổ phanh: áp dụng trong trường hợp mổ nội soi thất bại hoặc viêm mủ túi mật.

Đối với sỏi trong gan và ống mật chủ:

– Lấy sỏi qua nội soi ngược dòng cắt cơ oddi, áp dụng với sỏi ở ống mật chủ, sỏi nhỏ dưới 1,5cm, phương pháp này giúp tránh được phẫu thuật.

– Tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng, áp dụng với sỏi to.

– Phẫu thuật để lấy sỏi.

Để phòng tránh bệnh sỏi mật, bạn cần thực hiện chế độ ăn nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế các thức ăn nhiều mỡ, giàu cholesterol; tăng cường luyện tập, vận động thể chất; hạn chế dùng các loại thuốc nội tiết, thuốc hạ mỡ máu…Chúc các bạn sức khỏe!

Xem thêm

Dấu hiệu điển hình của bệnh rối loạn thần kinh
Những ai có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường?