bệnh loãng xương ở nam giới, nguyên nhân và cách điều trị

Nam giới trên 50 tuổi thường gặp nguy cơ loãng xương. Nguyên nhân dẫn tới bệnh loãng xương ở nam giới do đâu, dấu hiệu bệnh và cách điều trị bệnh ra sao? Bạn đọc hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây nhé.

Nguyên nhân gây bệnh loãng xương ở nam giới

Tuổi tác: Theo tiến sĩ Matthew Drake, Phó giáo sư y học và là nhà nghiên cứu bệnh loãng xương ở nam giới thuộc Bệnh viện Mayo tại Rochester, Minnesota (Mỹ), nguy cơ chính gây loãng xương ở nam giới là tuổi tác. Khi đàn ông đến 50 tuổi, mật độ xương bắt đầu giảm dần. “Xương liên tục được loại bỏ, tái hấp thụ và xây dựng trong cơ thể. Quá trình tái tạo xương này cân bằng ở hầu hết mọi lứa tuổi, nhưng đến độ tuổi 50 trở lên, nó diễn ra chậm lại, và đó chính là lý do khiến xương suy yếu”, tiến sĩ Matthew Drake cho biết.

Không hấp thụ đủ canxi và vitamin D: Canxi và vitamin D đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của xương. Canxi là khoáng chất cần thiết để xây dựng xương chắc khỏe, còn vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi một cách hiệu quả. Đàn ông trên 50 tuổi cần khoảng 1.000 mg canxi mỗi ngày. Nguồn cung cấp canxi bao gồm sữa và các sản phẩm từ sữa cũng như nước cam ép và ngũ cốc. Trong khi đó, hàm lượng vitamin D được hấp thụ chủ yếu thông qua da khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.

Lười vận động: Theo các chuyên gia, để duy trì sức khỏe của xương, hãy tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày. Các bài tập tốt cho xương bao gồm: đi bộ, chạy bộ, bóng rổ, bóng đá, cầu lông. Cơ thể ít vận động đưa tới hao xương, giảm khối xương. Lý do, sự cử động bắp thịt tạo sức ép lên xương và làm cho xương bền chắc hơn. Người bệnh nằm liệt giường lâu ngày xương rất yếu và dễ gãy.

Thuốc lá: Hút thuốc có liên quan trực tiếp đến mật độ xương giảm. Dioxin, một thành phần của khói thuốc lá, đã được chứng minh làm giảm quá trình tạo xương. Trong khi đó, chất nicotin gây độc cho tế bào tạo xương. Ngoài ra, nhiều bằng chứng khoa học còn chỉ ra hút thuốc làm giảm hấp thu canxi và chuyển hóa vitamin D, làm giảm nồng độ vitamin D trong máu.

Uống nhiều rượu: Tiêu thụ quá nhiều rượu có thể làm tăng tốc độ mất xương. Rượu làm tăng hormone của tuyến cận giáp parathyroid đưa tới giảm canxi dự trữ, giảm sự sản xuất vitamin D cần thiết cho việc hấp thụ canxi, giảm kích thích tố testosterone và estrogen đưa tới kém hấp thụ canxi. Người say rượu cũng tăng rủi ro té ngã, gãy xương.

Tác dụng phụ của thuốc: Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh một số loại thuốc dùng điều trị trầm cảm, tiểu đường, viêm khớp dạng thấp, ung thư… cũng là tác nhân gây loãng xương, mất xương.

Dấu hiệu bệnh loãng xương ở nam giới

Gãy xương thường là dấu hiệu đầu tiên của bệnh, có thể xảy ra mà không có sự đè ép bất thường lên xương. Gãy cổ xương đùi, cột sống, cổ tay là hay gặp nhất.

Khi xương cột sống bị bệnh, chúng có thể lún. Nhưng gãy lún này thường gây đau lưng nặng đột ngột và thậm chí dẫn đến giảm chiều cao. Lâu dần những gãy lún phức tạp có thể gây ra còng và gù lưng.

Hãy đến gặp Bác sĩ nếu bạn có phối hợp những dấu hiệu hoặc triệu chứng sau:

– Gãy xương sống, cổ xương đùi, hoặc cổ tay

– Đau lưng

– Thấp dần kèm theo gù lưng

Điều trị bệnh loãng xương ở nam giới

Các bisphosphonat. Những thuốc này có thể làm chậm mất xương và tăng mật độ xương ở cột sống và cổ xương đùi. Alendronat (Fosamax) là bisphosphonat đầu tiên cho nam giới được Cục Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) cấp phép.

Thuốc này đặc biệt có hiệu quả nếu bạn bị loãng xương do hoặc bị loãng xương nặng hơn do dùng steroid. Các nghiên cứu cho thấy alendronat làm giảm 50% nguy cơ gãy xương. Risedronat (Actonel) chưa được FDA cho phép dùng điều trị loãng xương ở nam giới, nhưng đã được chứng minh có hiệu quả ở phụ nữ.

– Calcitonin. Hormon này được tuyến giáp tạo ra làm giảm sự mất xương. Nhiều nghiên cứu cho thấy nó làm giảm 40% số ca gãy cột sống. Calcitonin được dùng bằng cách xịt vào mũi và có 12% người dùng bị kích ứng mũi. Calcitonin đôi khi được dùng để điều trị nam giới có nguy cơ cao bị gãy xương nhưng không thể dùng alendronat. Calcitonin chưa được FDA cấp phép cho mục đích này.

– Testosteron. Liệu pháp thay thế testosteron (TRT) chỉ có tác dụng đối với nam giới bị loãng xương do nồng độ testosteron thấp. Dùng testosteron khi bạn có nồng độ testosteron bình thường sẽ không làm tăng BMD.

Một số thuốc dùng điều trị loãng xương ở phụ nữ không nên dùng để điều trị ở nam giới:

– Estrogen. Estrogen là cách điều trị loãng xương chủ yếu ở phụ nữ và không được khuyến nghị dùng cho nam giới. Estrogen có thể làm cho vú to và giảm ham muốn tình dục ở nam giới.

– Raloxifen (Evista). Đây là thuốc chỉ được dùng cho phụ nữ bị loãng xương. Cần nghiên cứu thêm trước khi cho phép dùng thuốc dạng estrogen này cho nam giới.

– Các statin. Một số nghiên cứu cho thấy là những thuốc hạ cholesterol này cũng ngăn ngừa mất xương, còn một số nghiên cứu khác cho thấy chúng không có tác dụng này. Các statin thường không được kê đơn cho nam và nữ bị loãng xương. Vẫn chưa có kết luận cuối cùng, và cần nghiên cứu thêm.

Mong rằng các thông tin cơ bản về bệnh loãng xương ở nam giới trên đây sẽ giúp ích cho bạn đọc!

Xem thêm

Dấu hiệu nhận biết bệnh rôm sảy ở trẻ bạn cần lưu ý