Dấu hiệu nhận biết bệnh rôm sảy ở trẻ bạn cần lưu ý
Mùa khô hanh nóng làm cho làn da trẻ em mỏng manh và nhạy cảm hơn da người lớn rất nhiều nên rất dễ bị rôm sảy và các tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn. Các mẹ hãy lưu ý các dấu hiệu bệnh rôm sảy ở trẻ để có thể phát hiện và điều trị kịp thời cho con nhé.
Nguyên nhân gây bệnh rôm sảy ở trẻ
- Ở trẻ em, rôm sảy có chủ yếu ở da đầu, cổ, vai, ngực và lưng nhưng cũng có thể có thêm ở kẽ nách, háng. Triệu chứng là xuất hiện các mụn nước dưới da, sau đó nổi mẩn đỏ có thể gây ngứa cho trẻ, thông thường rôm sảy có thể tự khỏi nhưng cũng có một số trường hợp phải được điều trị.
- Nguyên nhân gây rôm sảy là do các tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn. Việc tắc nghẽn có thể do: các ống tuyến mồ hôi ở trẻ phát triển chưa hoàn chỉnh nên rất dễ khiến mồ hôi không có đường thoát ra ngoài. Điều này thường xảy ra khi thời tiết nóng nhưng đôi khi cũng do trẻ được cho mặc quần áo quá nóng. Trẻ bị sốt cao hay trẻ ở trong lồng ấp cũng có thể bị nghẽn các ống tuyến mồ hôi; khí hậu nhiệt đới nóng, ẩm; do vận động cơ thể (làm việc nặng, chơi đùa…) với cường độ cao; mặc quần áo, tã lót bằng một số loại vải pha nilon gây bí; do một vài vi khuẩn thường trú ngoài da có thể bài tiết một loại chất nhờn làm bít các ống tuyến mồ hôi.
- Đa số trẻ chỉ bị rôm sảy khi nóng, còn khi thời tiết mát mẻ, rôm tự lặn hết, không gây tác hại gì. Nhưng cũng có rất nhiều trường hợp mụn rôm làm trẻ ngứa, gãi nhiều làm da sây sát, bị nhiễm khuẩn thêm thành những mụn mủ và nhọt.
Dấu hiệu của bệnh rôm sảy ở trẻ
Rôm sảy còn được biết đến với cái tên “bệnh phát ban”, với những nốt nhỏ li ti thường mọc thành đám, thành mảng lớn ở các vùng da thường xuyên tiết mồ hôi như ngực, lưng, trán và các vùng kẽ lớn như nách, bẹn, một số trường hợp có thể lan ra ở toàn thân. Khi bị rôm sẩy da của trẻ xuất hiện những sẩn nhỏ màu hồng, có mụn nước nhỏ, đôi khi có mụn trắng xen vào. Trẻ sẽ có cảm giác ngứa ngáy khó chịu trên da do da bị viêm. Khi trẻ gãy sẽ làm trầy xước vùng da bị viêm đó và dễ gây ra nhiễm khuẩn, trẻ thường quấy khóc do ngứa rát khó chịu khi bị rôm sẩy. Khi trời mát thường thì rôm sẽ tự lặn đi và để lại các đám vảy bong ra màu trắng nhưng khi gặp thời tiết nóng bức nó có thể trở lại ngay. Các bà mẹ không nên để không khí trong phòng quá nóng, không để trẻ mặc quần áo bí hơi, mặc quá nhiều quần áo và thường xuyên tắm mát cho trẻ.
Tùy dạng rôm mà dấu hiệu của trẻ bị rôm sảy cũng có sự khác nhau, các bà mẹ nên hiểu và phân biệt để có cách ngăn ngừa và chữa trị hiệu quả. Với rôm dạng tinh thể (miliaria crystalina), loại này không có viêm, các mụn nước rất nông ở lớp sừng, trẻ thường bị sốt cao và khi hết để lại những mảng da mỏng, và ít để lại sẹo. Một loại rôm sẩy khác là rôm đỏ (miliaria rubra), thường xảy ra khi thời tiết nóng ẩm hay xuất hiện ở thân, lưng và đặc biệt là vùng hay bị quần áo cọ xát vào da. Chúng gây ra những thương tổn trên da, hình thành các sẩn đỏ dày thành đám, chiếm hết diện tích lưng ngực gây cho trẻ cảm giác bứt rứt khó chịu và rất ngứa ngáy. Rôm đỏ hay xuất hiện ở vùng cổ, gáy , bẹn… Loại này có nguy cơ gây biến chứng làm bội nhiễm và viêm da cao nhất, các biến chứng như chốc, viêm nang long, mụn nhọt do nhiễm tụ cầu vàng. Rôm sâu (miliaria profunda) cũng là một trong những dấu hiệu trẻ bị rôm sảy, thường xảy ra khi rôm sảy đỏ bị đi bị lại nhiều lần. Chúng gây ra các sẩn màu nhạt cứng, khoảng 1-3mm, hay gặp ở thân mình hay tay chân. Rôm sâu không gây cảm giác ngứa ngáy khó chịu như rôm đỏ nhưng lại có nguy cơ gây tổn hại vĩnh viễn tuyến mồ hôi.
Biến chứng của bệnh
Rôm sảy thường tự khỏi nhưng đôi khi một số biến chưng có thể xảy ra như:
– Nhiễm trùng: Các vết thương của rôm sảy có thể bội nhiễm vi trùng tạo ra mụn mủ đau và ngứa nhiều.
– Sốc do nóng: Trong thời tiết nóng, những bệnh nhân bị rôm sảy dạng sâu có nguy cơ bị choáng do nhiệt: đau đầu, mạch nhanh, nôn, hạ huyết áp… có thể đưa đến tình trạng đột quỵ nguy hiểm.
Cách phòng bệnh
Mặc quần áo bằng loại vải mềm, nhẹ, có thể hút ẩm vào mùa hè. Tránh mặc quá nhiều, quá chật vào mùa đông.
Tránh nắng khi thời tiết quá nóng, có thể dùng quạt thông khí, máy điều hòa nhiệt độ.
Chỗ ngủ phải luôn mát mẻ và thông khí tốt.
Tắm nước lạnh và không dùng xà phòng loại làm khô da.
Có thể dùng phấn, kem dưỡng da cho trẻ trong mùa nóng và khô có tác dụng phòng ngừa rôm sảy và hạn chế bị khô da ở trẻ.
Cách điều trị
Điều trị rôm sảy hữu hiệu nhất là làm giảm tiết mồ hôi bằng phương pháp điều hòa nhiệt độ: máy lạnh, quạt thông khí, mặc áo quần thoáng mát và hạn chế vận động. Khi da bị làm mát lạnh, rôm sảy sẽ biến mất nhanh chóng.
Dạng rôm sảy nhẹ không cần phải điều trị nhưng ở các dạng nặng hơn đôi khi cần phải được điều trị bằng các loại thuốc bôi để giảm cảm giác khó chịu và ngăn ngừa biến chứng.
Các loại thuốc bôi thường dùng điều trị rôm sảy là:
– Dung dịch Calamine làm dịu ngứa.
– Anhydrous lanolin có thể giúp ngăn ngừa hiện tượng bít các ống tuyến mồ hôi và ngưng phát sinh các sang thương mới.
Hi vọng rằng những thông tin cơ bản về bệnh rôm sảy ở trẻ trên đây sẽ hữu ích với bạn đọc!
Xem thêm