Những điều nên biết về bệnh trùng roi ở nữ giới

Trùng roi không chỉ lây truyền qua đường tình dục không an toàn mà ngay cả khi giặt quần áo chung chậu với người bị nhiễm trùng roi, bạn cũng có nguy cơ mắc phải. bệnh cũng có thể lây truyền từ người lớn sang bé gái nếu tay bị nhiễm trùng roi; trẻ sơ sinh cũng có thể bị nhiễm loại vi trùng này từ mẹ. Bệnh có thể xuất hiện ở cả nam và nữ nhưng tỉ lệ phụ nữ bị bệnh cao hơn nhiều so với nam giới (gấp 10 lần). Trùng roi thường gây tổn thương ở niệu đạo, âm hộ và các phần phụ của đường sinh dục. Thời gian ủ bệnh 1 – 4 tuần, thậm chí có thể lâu hơn.

Triệu chứng của bệnh trùng roi ở nữ giới

Ở nữ giới: phần lớn người bệnh có các biểu hiện như ra nhiều khí hư màu vàng hơi xám, có bọt, nặng mùi; ngứa dữ dội ở âm hộ, âm đạo làm cho âm hộ và tầng sinh môn đỏ, có vết trợt do gãi; đái buốt và thường kèm theo sưng nề âm hộ, bị đau giao hợp. Một số ít trường hợp không có dấu hiệu bệnh.
Nếu bị nhiễm bệnh vào những giai đoạn như: trong kỳ kinh nguyệt, lúc có thai, mãn kinh hoặc bị bệnh đái tháo đường, bệnh thường có biểu hiện nặng hơn. Muốn chẩn đoán chính xác, cần phải dựa vào kết quả xét nghiệm khí hư bằng phương pháp soi tươi.

Nguyên nhân gây bệnh trùng roi ở nữ giới

Bệnh do ký sinh trùng loại trùng roi Trichomonas vaginalis thường gặp ở phụ nữ. Trùng roi ký sinh ở âm đạo, trong dịch tiết âm đạo, các nếp nhăn của da ở bộ phận sinh dục, gây nên các triệu chứng viêm nhiễm đường sinh dục. Ở nam giới, trùng roi cũng có thể gây viêm đường sinh dục nhưng triệu chứng lâm sàng không rõ ràng mặc dù bị nhiễm ký sinh trùng. Ngoài âm đạo, trùng roi còn ký sinh ở những nơi khác như buồng trứng, vòi trứng, tử cung, niệu đạo, niệu quản, bàng quang, bể thận… để gây bệnh. Mặc dù trùng roi có thể ký sinh ở nhiều vị trí khác nhau nhưng ở âm đạo chúng vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất và đóng vai trò quan trọng trong nguyên nhân gây bệnh phụ khoa ở phụ nữ.

 

 

 

 

Điều kiện mắc bệnh trùng roi ở nữ giới

Trùng roi Trichomonas vaginalis chỉ có một vật chủ là người và phụ nữ là đối tượng dễ bị mắc bệnh vì các điều kiện xã hội và sinh hoạt có liên quan. Ở các nước có tệ nạn mại dâm phát triển thì tỷ lệ nhiễm bệnh cũng tăng cao. Vấn đề vệ sinh cá nhân phụ nữ như tắm rửa ở nước ao hồ hoặc sử dụng các nguồn nước, đồ dùng, quần áo… bị nhiễm bẩn; trùng roi có thể xâm nhập vào đường sinh dục và gây bệnh. Hiện nay người ta quan niệm rằng bệnh trùng roi âm đạo là một bệnh hoa liễu vì vị trí ký sinh của ký sinh trùng gây bệnh thường ở đường sinh dục và tiết niệu, bệnh lây truyền trực tiếp do giao hợp là chủ yếu.

Triệu chứng và biến chứng của bệnh trùng roi ở nữ giới

Trên thực tế, phương thức lây truyền bệnh trực tiếp chủ yếu là do giao hợp không bảo đảm vệ sinh. Khi bị mắc bệnh trùng roi âm đạo, bệnh nhân thường có những biểu hiện lâm sàng khác nhau. Lúc ban đầu mới bị bệnh, triệu chứng thể hiện cấp tính như ngứa ngáy nhiều ở âm đạo, âm hộ, khí hư ở âm đạo chảy ra rất nhiều, có dịch mủ vàng hoặc xanh, nặng mùi, âm đạo bị đau như kim châm, sưng đỏ, viêm tấy, có nhiều nơi bị loét. Sau đó, bệnh chuyển sang thể bán cấp và mạn tính, thường không có viêm tấy và thành thể trường diễn kéo dài. Trên lâm sàng, các triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân là có khí hư chảy ra nhiều, màu trắng đục, nhày dính, có bọt; âm đạo, âm hộ bị đỏ, rát nhất là khi có kinh nguyệt, niêm mạc âm đạo có hiện tượng sung huyết, đôi khi tụ huyết, có những nốt đỏ rất nhỏ; người bệnh rất ngứa ngáy, rấm rứt khó chịu… Đôi khi các triệu chứng này không thể hiện đầy đủ trong một số trường hợp bệnh nhân bị mắc bệnh.

Bệnh trùng roi âm đạo do Trichomonas vaginalis nếu không được phát hiện, chữa trị kịp thời thì tình trạng viêm âm đạo kéo dài lâu ngày có thể gây nên các biến chứng như viêm buồng trứng, vòi trứng làm cho bệnh nhân đau đớn, có hiện tượng bị rong kinh; cổ tử cung cũng có thể bị viêm loét, đau, ngứa, niêm mạc sưng đỏ. Vô sinh cũng là một biến chứng thường gặp do trùng roi tiết ra chất nhày, tạo thành nút bao bọc và bít kín cổ tử cung, ngăn cản không cho tinh trùng xâm nhập vào để thụ tinh nên không thể thụ thai được. Ngoài ra, bệnh cũng có thể gây nên biến chứng viêm nhiễm đường tiết niệu với biểu hiện lâm sàng rõ hoặc không rõ. Ở một số trường hợp người phụ nữ bị bệnh trùng roi âm đạo, khi đi tiểu thường thấy đau buốt, có chất dịch mủ và tìm thấy ký sinh trùng trong nước tiểu.

Điều trị và phòng bệnh  trùng roi ở nữ giới

Để điều trị bệnh trùng roi âm đạo Trichomonas vaginalis có hiệu quả cần phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản là thường xuyên vệ sinh bộ phận sinh dục để làm giảm mức độ viêm nhiễm, điều trị cho cả vợ lẫn chồng vì bệnh có thể lây truyền từ vợ sang chồng và ngược lại; đồng thời trong thời gian điều trị tuyệt đối không được giao hợp để hạn chế điều kiện và cơ hội lây truyền bệnh thì mới có kết quả mong muốn. Trong chỉ định điều trị, thầy thuốc thường dùng các loại thuốc diệt trùng roi phối hợp với các thuốc diệt nấm và vi khuẩn vì qua quá trình điều trị trùng roi, môi trường âm đạo có thể thay đổi làm cho nấm và vi khuẩn có điều kiện phát triển để gây bệnh. Thuốc đặc hiệu điều trị trùng roi âm đạo thường dùng là tinidazol, nimorazol, ornidazol (uống) và metronidazol (đặt âm đạo). Các thuốc phối hợp để ngăn ngừa, chống nấm thường sử dụng fluconazol, nystatin, amphotericin B…

Để phòng tránh bị mắc bệnh trùng roi âm đạo, cần có biện pháp kiểm soát và thanh toán tệ nạn mại dâm, có quan hệ tình dục an toàn, lành mạnh và chung thủy; tăng cường các điều kiện, tiện nghi vệ sinh cho phụ nữ ở gia đình, nơi học tập, lao động và công tác. Đồng thời cũng cần tích cực phát hiện, điều trị những người mắc bệnh để chủ động khống chế sự lây truyền bệnh.

Mong rằng bài viết về bệnh trùng roi ở nữ giới trên đây sẽ hữu ích cho bạn đọc!

Xem thêm

Bệnh thận ở trẻ em, điều trị như thế nào?