Kỹ thuật trồng cây hoa giấy trong chậu
Cây hoa giấy là loại cây cho hoa rất rực rỡ sắc màu, lại dễ trồng và chăm sóc nên được khá nhiều gia đình lựa chọn. Một số người sẽ cho cây bò lan lên hàng rào hoặc vách tường, làm vòng hoa nơi cổng. Một số khác lại quyết định cho vào chậu trưng bày trong nhà. Mỗi nơi trồng khác nhau cần có phương pháp phù hợp để cây được phát triển. Sau đây là kỹ thuật trồng cây hoa giấy trong chậu.
Đặc điểm và ý nghĩa của cây
Hoa giấy có tên khoa học là Bougainvillea. Đây là loại dây leo dạng có gai, mọc cao tới từ 1 đến 3m, thân gỗ lớn, mập khoẻ, cành nhánh nhiều vươn dài. Lá đơn mọc cách, phiến hình trái xoan hay thuôn dài ở đỉnh, tròn ở gốc. Gốc cuống lá có gai hơi cong. Lá xanh quanh năm, rụng vào mùa đông ở những nơi lạnh.
Có nhiều loại hoa khác nhau, từ đơn tính (hoa một màu) đến loài lưỡng tính (hai màu). Hoa giấy khá nhỏ, hình ống dài và thường có màu trắng, mỗi cụm 3 hoa được bao quanh bằng 3 hay 6 lá bắc với màu rực rỡ bao gồm các màu hồng, tía, đỏ, cam, trắng hay vàng.
Chính những cụm 3 hoa được bao bọc bởi lá bắc bên ngoài làm nên biểu tượng về sự gắn kết chặt chẽ giữa các thành viên trong gia đình hay tổ chức, tạo cảm giác gần gũi, bình yên. Nhiều người trồng hoa giấy với mong muốn có được sự sung túc, may mắn. Một số người khác tin rằng hoa giấy có thể là thứ cây tâm linh đánh đuổi tà ma.
Những lưu ý khi trồng cây trong chậu
Chọn đất trồng
Phải đảm bảo chọn nơi đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng, không ẩm ướt. Có thể sử dụng đất màu pha với ít đất cát và trấu để tạo nên hỗn hợp. Đất thích hợp phải hơi có tính acid, và có độ pH tầm 5.5 đến 6.0. Cho thêm đá vôi vào đất để tăng độ pH hoặc thêm lưu huỳnh để giảm độ pH khi cần thiết.
Sang chậu trồng
Chậu dùng để trồng cây hoa giấy phải là loại thoát nước tốt. Nếu đáy chậu không có lỗ, thì chúng ta dùng dụng cụ để đục. Lưu ý nên có đĩa đặt dưới đáy nếu để chậu trong nhà, tránh khi tưới nước bị lênh láng khắp nơi.
Mỗi năm cần đổi chậu một lần. Tốc độ cây phát triển rất nhanh vì thế cần chuyển cây sang trồng ở chậu khác lớn hơn nhựng phải giữ nguyên chất lượng đất trồng như ở chậu cũ. Rễ cây rất dễ bị tổn thương, cần được xử lý cẩn thận. Đồng thời, sau mỗi đợt ra hoa cần tưới thêm nước, bón phân thúc vào gốc cây. Sau một vài năm trồng, khi thức ăn trong đất đã cạn, cây cần phải được lấy ra, rũ đất, cắt hết rễ rồi trồng lại. Nếu cây tốt, lá to, xanh đậm, người trồng nên hái bớt lá để kích thích cho cây ra hoa.
Tưới nước và bón phân
Đối với hoa giấy, bạn cần cung cấp 1 lượng nước hài hòa vừa đủ để giữ đất ẩm, nhưng không nhiều đến mức cây bị ngập úng. Trong giai đoạn giâm cành hoa giấy, có thể tưới cho cành 2-3 ngày một lần. Khi thấy cành nảy mầm, chỉ cần giúp cây có đủ ánh sáng mặt trời.
Vào mùa lạnh, hãy mang chậu cây vào bên trong nhà và hạn chế việc tưới nước. Nếu bạn để chậu hoa bên ngoài nó sẽ không sống được với thời tiết khắc nghiệt.
Cây cần được bón phân ít nhất một lần trong năm (vào đầu mùa xuân) để có thể tăng trưởng hiệu quả. Hãy lựa chọn loại phân bón hữu cơ hoặc phân bón chậm tan để phát huy tác dụng tốt nhất với cây. Bón phân vài tháng một lần có thể thúc cho cây ra hoa rực rỡ hơn. Trường hợp cây quá rậm rạp, nhiều cành lá tua tủa, chúng ta cần giảm lượng phân bón cũng như số lần bón phân.
Cắt tỉa đúng cách
Hoa giấy là loại cây cành lá xum xuê và đơm nhiều hoa nên cần cắt tỉa đúng cách để kích thích nở hoa và giữ dáng cây đẹp. Sau khi hoa giấy hết mùa ra hoa, hãy cắt đi vài cm. Điều này sẽ thúc đẩy cây tăng tưởng khỏe vào mùa xuân tới. Đeo găng tay khi cắt tỉa hoa giấy để tránh nổi mẩn đỏ hay ngứa ngáy.
Cây hoa giấy trồng chậu còn có thể uốn dẻo từ cây con để tạo dáng bonsai khá đẹp mắt.
Đồng thời, để cắt ghép tạo cây cho hoa nhiều màu, người làm vườn rành nghề thường dùng gốc cây đơn đã được 3-5 năm tuổi. Sau đó, cắt bỏ phần thân nhánh không cần thiết và tiến hành ghép nhánh giống giấy thái với màu hoa tùy chọn.