Khám phá công dụng của cây Nhân trần
Từ lâu, công dụng của cây Nhân trần được biết đến là dùng để thanh nhiệt cơ thể hiệu quả. Thế nhưng, công dụng của loài cây này không chỉ dừng lại tại đây…
Cây nhân trần là cây gì?
Cây nhân trần còn có tên gọi khác là cây chè cát, chè nội, tuyến hương, hoắc hương núi, mao xạ hương,… tên khoa học là Adenosma glutinosum. Cây có thân hình trụ, rỗng giữa, mầu nâu đen, có lông nhỏ, mịn. Mặt trên lá màu nâu sẫm, mặt dưới màu nâu nhạt, hai mặt đều có lông, mép lá khía răng cưa tù, gân lá hình lông chim.
Nhân trần được thu hái khi cây đang ra hoa, phơi trong bóng râm hoặc sấy ở 40oC – 50oC. Không sấy quá nóng làm bay tinh dầu, bảo quản nơi khô.Nhân trần thường mọc hoang nhiều ở các tỉnh phía Bắc như Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Giang, Tuyên Quang…, và một số tỉnh ở miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên – Huế.
Công dụng của cây Nhân trần
Theo Đông y, nhân trần có vị hơi đắng, tính hơi hàn, có công dụng chữa thanh nhiệt, lợi mật, tiểu tiện bất lợi, viêm loét da do phong thấp. Theo y học hiện đại, nhân trần có tác dụng thúc đẩy quá trình bài xuất dịch mật, bảo vệ tế bào gan, ngăn ngừa tình trạng gan nhiễm mỡ, làm hạ huyết áp, thúc đẩy tuần hoàn, giải nhiệt, giảm đau và chống viêm.
Các nghiên cứu hiện đại cho thấy, nhân trần có tác dụng làm tăng tiết và thúc đẩy quá trình bài xuất dịch mật, bảo vệ tế bào gan, ngăn ngừa tình trạng gan nhiễm mỡ, làm hạ huyết áp, thúc đẩy tuần hoàn, giải nhiệt, giảm đau và chống viêm. Nó có khả năng ức chế một số vi khuẩn như tụ cầu vàng, thương hàn, phó thương hàn, mủ xanh, e.coli, lỵ, song cầu khuẩn gây viêm não, viêm phổi và một số loại nấm.
Nhân trần giúp cải thiện công năng miễn dịch và ức chế sự tăng sinh của tế bào ung thư. Trên lâm sàng, nhân trần đã được sử dụng để điều trị các bệnh: viêm gan truyền nhiễm cấp tính thể vàng da, vàng da tán huyết do thương hàn ở trẻ sơ sinh, giun chui ống mật, rối loạn lipid máu, thiểu năng mạch vành, eczema dai dẳng ở trẻ em, viêm loét miệng, nấm da…
Một số bài thuốc được ứng dụng từ cây Nhân trần
- Dùng để phòng các bệnh do thấp nhiệt gây ra và điều trị viêm gan cấp hoặc mạn tính.
Nhân trần 30 g thái vụn, hãm với nước sôi trong bình kín trong 15 phút, pha thêm một chút đường phèn, uống thay trà trong ngày.
- Dùng để chữa viêm gan vàng da cấp tính có sốt.
Nhân trần 300 g, sinh đại hoàng 60 g, trà 30 g. Ba vị tán vụn, mỗi ngày lấy 30 g hãm với nước sôi trong bình kín trong 10-15 phút, uống thay trà trong ngày.
- Dùng để chữa viêm gan vàng da cấp tính có sốt.
Bạch hoa xà thiệt thảo 500 g, nhân trần 150 g, sinh cam thảo 50 g. Tất cả tán vụn, mỗi ngày lấy 60 g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 phút có thể dùng được, uống thay trà trong ngày.
- Dùng để trị viêm gan giai đoạn có di chứng như rối loạn tiêu hóa, chán ăn, đầy bụng chậm tiêu…
Mạch nha 500 g, nhân trần 500 g, quất bì 250 g; tất cả sấy khô, tán vụn, mỗi ngày dùng 60 g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.
- Dùng để phòng chống viêm gan, viêm túi mật, sỏi mật…
Râu ngô 300 g, nhân trần 150 g, bồ công anh 150 g. Tất cả tán vụn, mỗi ngày dùng 50 g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.
Những điều cần chú ý khi sử dụng nhân trần
– Không nên pha chung nhân trần với cam thảo: Nhân trần vốn có tính hàn vị cay đắng tác dụng đào thải còn cam thảo bổ khí, thanh nhiệt, giải độc, chủ trị các chứng tỳ vị hư nhược, ho suyễn, hầu họng sưng đau, giải độc thuốc và thức ăn, chống suy nhược… Mặc dù cả hai thứ đều có những công dụng tốt nhưng nếu phối hợp lại với nhau thì thành không tốt, bởi cam thảo có tính chất giữ nước trong khi nhân trần lại giúp đào thải.
Chính vì vậy, thói quen uống nhân trần cho thêm cam thảo, sẽ tiềm ẩn nguy hại bởi tương tác thuốc, nhất là tăng huyết áp.
– Phụ nữ mang thai, nếu không có bệnh lý về gan, không được bác sĩ chỉ định thì tuyệt đối không dùng nước nhân trần, cam thảo bởi uống nhiều sẽ làm xuất tiết các tuyến trong cơ thể, dẫn đến người mẹ bị mất sữa hoàn toàn hoặc chỉ có rất ít.
– Không nên uống nhân trần hằng ngày: Theo nguyên tắc điều trị, khi mật không tiết ra (mật viêm, tắc mật…) thì mới cần lợi mật và khi gan có vấn đề thì mới phải nhuận gan. Nếu không có bệnh mà lại uống hàng ngày, nghĩa là bắt gan và mật không có nhu cầu tiết cũng phải tiết, dẫn tới phải làm việc nhiều hơn nên dễ tổn thương, mất cân bằng và sinh bệnh.
Ngoài ra, nhân trần lợi tiểu nên dẫn đến thải nhiều, nếu lượng nước và các chất dinh dưỡng bị đào thải thường xuyên, sẽ dẫn đến mất nước nghiêm trọng gây thiếu nước cho cơ thể và làm mệt mỏi thiếu tập trung.
– Mặc dù còn tranh cãi nhau về mặt công dụng nhưng nhiều người vẫn phải sử dụng loại lá cây này. Nhưng đây cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Vì hầu hết nhân trần khi đến với người tiêu dùng đều là loại khô. Thời tiết những ngày mùa thu thường không có nắng to, cây không được phơi khô đúng cách.
– Trên thị trường, nhiều loại nhân trần bị phun thuốc diệt cỏ vào cây tươi để cây nhanh héo và khô, hay bị chủ cửa hàng phun thuốc chống ẩm mốc. Chưa có những kết luận chính thức về việc người sử dụng nhân trần kém chất lượng sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe nhưng để đảm bảo an toàn cho gia đình và bản thân, các cá nhân không nên sử dụng nhân trần khi không có chỉ định của bác sỹ.