Công dụng của cây mía và những ứng dụng thực tế
Mía là nguồn cung cấp nguyên liệu để làm đường, mật. Ngoài ra, công dụng của cây mía còn được dùng làm thuốc chữa nhiều loại bệnh. Đó là gì? Hãy cùng theo dõi trong bài viết này nhé.
Với người Việt Nam, cây mía rất thân thuộc, nước mía là thức uống rất được ưa chuộng trong mùa hè. Không những thế, mía còn là vị thuốc từ thiên nhiên phòng và chữa nhiều bệnh. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu đến bạn một số công dụng chữa bệnh của cây mía.
Tác dụng thực dưỡng
Theo Đông y, mía vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, sinh tân dịch, nhuận táo, giáng khí. Dùng trong trường hợp ho khan ít đàm, kể cả chứng ho ra máu; còn dùng trong các chứng mất dịch vị do vị nhiệt, lưỡi đỏ rêu ít, miệng khô khát; cũng có thể dùng cho người nôn ọe nhiều lần, miệng khô buồn bực, đại tiện táo kết và người bị ngộ độc do rượu.
Thực nghiệm cho thấy, mía chứa nhiều loại đường, có tác dụng ức chế các khối u ác tính (ung thư).
Ứng dụng thực tế
1. Miệng khát vào mùa nóng: người nóng, khát nước, ra nhiều mồ hôi, miệng khô, tiểu vàng, dùng mía tươi lượng vừa, gọt bỏ vỏ, nhai ăn nhiều lần trong ngày.
2. Viêm amiđan, viêm họng cấp và mãn tính: Củ cải trắng và mía rửa sạch, ép lấy nước, mỗi lần dùng nước mía 10ml, nước củ cải 20ml trộn lẫn, thêm vào nước đá lượng vừa để uống, ngày 3 lần, dùng liên tục 3-5 ngày. Hoặc mía, củ năng, rễ tranh, mỗi thứ với lượng vừa, nấu nước uống thay trà, dùng nhiều lần trong ngày.
3. Sốt cao, mất nước, miệng khô: nước mía 1-2 ly, ngày 3 lần
4. Tiểu ngắn gắt đau (bàng quang thấp nhiệt): mía 500g, lá mã đề tươi 50g, nấu nước uống thay trà, dùng nhiều lần trong ngày.
5. Miệng lở do nhiệt, chán ăn, miệng khô, táo bón: mía 250g, rễ tranh 30g, nấu nước uống thay trà, dùng nhiều lần trong ngày.
6. Nôn do thai nghén: Nước mía 1 ly, nước gừng tươi một ít, trộn lẫn để uống, ngày 1 lần.
Nếu các mẹ cũng đang bị ốm nghén, hãy thử cách làm này xem nhé. Tuy nhiên, bạn cần mua được nước mía sạch hoặc tự làm là tốt nhất. Ngoài ra, uống nước mía trong thai kỳ cũng rất tốt cho bà bầu và thai nhi. Dù vậy,vì nước mía có lượng đường cao cho nên không nên uống quá nhiều. Nếu mẹ bầu bị tiểu đường cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống nước mía thường xuyên.
7. Phù nhẹ do thai nghén: Mía 500g, nấu nước uống thay trà, dùng nhiều lần trong ngày.
8. Chữa ho gà: mía 3 lóng, rau má 1 nắm, gừng 2 lát. Cho vào 2 bát nước, sắc uống ít một.
9. Phòng hậu sởi: sắn dây 40g, rau mùi 20g, mía 2 đốt. Dùng 2 bát nước sắc còn 1 bát uống dài ngày trong dịch sởi. Sau sởi: Ép lấy nước mía vỏ đỏ uống.
10. Giải say rượu: uống nước mía hoặc nhai mía nuốt nước.
11. Ngộ độc cá nóc: nước mía với nước gừng tươi mỗi thứ một ít (nước mía là chính). Uống để sơ cứu ngay rồi nhanh chóng chuyển bệnh nhân đi bệnh viện cấp cứu kịp thời.
Tuy nhiên, mía tính lạnh và hàm lượng đường rất cao nên những người tỳ vị hư yếu, hay đầy bụng đi lỏng và những người mắc bệnh tiểu đường thì nên kiêng cữ tuyệt đối không được đụng đến nước mía.
Tổng hợp