Bệnh trầm cảm ở nữ giới, điều trị ra sao?
Phụ nữ hiện đại phải đối mặt với rất nhiều áp lực từ công việc, cuộc sống gia đình. Chính vì vậy, tỉ lệ nữ giới mắc chứng bệnh trầm cảm ngày càng gia tăng. Tâm trạng buồn chán, chán nản và có biểu hiện như thế nào mới được phán đoán là bệnh trầm cảm ở nữ giới? Hãy cùng tìm hiểu nhé.
Bệnh trầm cảm là gì?
Trầm cảm (depression) là một bệnh lý rối loạn về tâm trạng, hay còn gọi là rối loạn khí sắc (mood disorder), trong đó người bệnh trở nên giảm thiểu khả năng hoạt động về tinh thần, cảm xúc buồn bã, có cái nhìn tiêu cực về bản thân, về thế giới xung quanh và về tương lai… Trong trạng thái trầm cảm, người bệnh thường hay đánh giá thấp về bản thân, cảm thấy mình có lỗi, buồn khổ, giảm giá trị, mất hứng thú đối với cuộc sống, và mơ hồ về tương lai.
Nguyên nhân bệnh trầm cảm ở nữ giới
Nhiều ý kiến cho rằng trầm cảm ở phụ nữ mãn kinh do một số yếu tố như: Có những sự kiện bất lợi trong cuộc sống như: kinh tế khó khăn, việc làm, quan hệ gia đình, trình độ học vấn, sử dụng thuốc điều trị,…
Cụ thể, kết quả khảo sát trên 64 phụ nữ quanh tuổi mãn kinh (40 – 55 tuổi) thấy trầm cảm có liên quan với các yếu tố bao gồm: Trình độ học vấn, đã từng phải đi thăm khám về tâm sinh lý, tiền căn đã được chẩn đoán trầm cảm và sử dụng những thuốc chống suy nhược cơ thể, tỉ lệ trầm cảm là 39,1%, khiến cho phụ nữ mãn kinh mắc bệnh trầm cảm.
Biểu hiện bệnh trầm cảm ở nữ giới
Các triệu chứng biểu hiện của trầm cảm từ lâu đã được biết rõ và ta có thể kể ra sau đây một số biểu hiện chính thường gặp:
– Cảm giác buồn bã, thất vọng và thường dễ khóc
– Mất đi sự quan tâm, hứng thú và không cảm thấy vui với những thứ mà trước đây vẫn từng cảm thấy thích thú (việc này bao gồm cả những hứng thú với chuyện chăn gối vợ chồng)
– Cảm thấy mình vô dụng, không có giá trị hoặc mặc cảm có lỗi
– Suy nghĩ về cái chết hoặc có ý định tự sát
– Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều
– Mất cảm giác ăn ngon, sụt cân, hoặc ngược lại có thể rối loạn thói quen ăn uống kèm theo sụt cân hoặc tăng cân không theo chủ định
– Thường xuyên có cảm giác uể oải, mệt mỏi
– Khó tập trung suy nghĩ và khó đưa ra những quyết định
– Có triệu chứng đau nhức trong cơ thể nhưng không đáp ứng với điều trị thuốc giảm đau thông thường
– Cảm thấy bất an, bức rức và dễ bực bội, nổi nóng
– Nếu bạn thấy mình có một vài trong số những triệu chứng nêu trên kéo dài thường xuyên trong hơn 2 tuần, điều đó báo động cho thấy bạn có thể đang bị trầm cảm và bạn cần được thăm khám bởi một bác sĩ chuyên khoa tâm thần.
Sự khác biệt giữa bệnh trầm cảm ở nữ giới với nam giới
Tỷ lệ mắc trầm cảm: ở nữ là 20% (nam chỉ 10%)
Tuổi khởi phát bệnh: sớm hơn
Thời gian kéo dài một đợt trầm cảm: Dài hơn
Diễn tiến bệnh: Các đợt trầm cảm dễ xảy ra, hay tái phát
Liên quan với các sự kiện gây stress: Thường hơn
Các triệu chứng không điển hình của trầm cảm như ngủ nhiều, ăn nhiều…: Nhiều hơn
Độ nặng của trầm cảm do người bệnh tự đánh giá: Thường tự đánh giá là nặng hơn
Cảm giác có lỗi: Thường xảy ra hơn
Hành vi tự sát: Ý tưởng tự sát thường xảy ra hơn, nhưng hành vi tự sát thành công thì ít hơn
Liên quan với chứng lo âu, ám ảnh sợ hoặc những cơn hoảng sợ: Thường đi kèm vói các rối loạn này nhiều hơn
Rối loạn ăn uống: Nhiều hơn
Hay kèm theo bệnh ở tuyến giáp (bướu cổ), bệnh đau nửa đầu (migraine) và có nhiều ảnh hưởng của các nội tiết tố sinh dục nữ đối với tâm trạng hơn so với nam giới.
Ít kèm theo lạm dụng rượu, ma túy và ít có liên quan đến các rối loạn nhân cách (ví dụ: nhân cách chống xã hội, nhân cách ái kỷ hoặc nhân cách ám ảnh…) hơn so với nam giới.
Phòng ngừa và điều trị bệnh trầm cảm ở nữ giới
Cách tốt nhất và có hiệu quả là nên thay đổi cuộc sống hàng ngày cho hợp lý, đồng thời tạo ra thói quen ăn ngủ điều độ và thường xuyên tập thể dục.
Về dinh dưỡng, cần ăn uống đủ chất. Đặc biệt cần tăng cường các thực phẩm có hàm lượng vitamin và chất khoáng cao. Ăn những thực phẩm giàu vitamin C,E và các vitamin nhóm B. Nếu thiếu vitamin B1 cơ thể dễ bị mệt mỏi, mất tự chủ, rơi vào trạng thái vui buồn bất thường.
Không để cơ thể thiếu chất sắt (sắt có nhiều trong gan động vật và trứng gia cầm…), vì thiếu sắt cũng khiến cho chị em lứa tuổi này tinh thần ủ rũ, mất tập trung, giảm trí nhớ và dễ cáu giận. Cũng nên bổ sung kẽm (có nhiều trong cá biển, gan, lòng đỏ trứng, thịt gà…) để hạn chế tình trạng u uất, tình cảm không ổn định và những trục trặc trong đời sống tình dục vợ chồng.
Về giấc ngủ, cần ngủ đủ 7 tiếng/ngày, tốt nhất là có được giấc ngủ sâu. Muốn vậy cần đi ngủ đúng giờ theo nhịp sinh học của giấc ngủ, tập thói quen ngủ vào một giờ cố định để tạo phản xạ có điều kiện buồn ngủ khi đến giờ.
Về công việc, cần sắp xếp sao cho khoa học, hợp lý để tránh stress. Cố gắng tránh các tình huống xung đột và không tham gia vào các cuộc tranh cãi. Đừng quá để ý đến những điều khó chịu thường gặp trong cuộc sống, nên lạc quan vui sống.
Cần tập thể dục đều đặn, tốt nhất là bạn tham gia một môn thể thao ưa thích, phù hợp với thể trạng cơ thể, cũng có thể thư giãn bằng cách thường xuyên đi bách bộ nhàn tản kết hợp với thở sâu. Cuối tuần nên dành ra một buổi đi chơi với gia đình và người thân hoặc giải trí bằng việc đi xem phim, mua sắm, đọc sách… nhằm giảm bót áp lực và mệt mỏi phòng tránh bệnh trầm cảm ở nữ giới.
Xem thêm