Cây huyết dụ chữa rong kinh như thế nào?
Là một trong số ít những loại cây dễ tìm chuyên dụng cho bệnh về máu, cây huyết dụ sớm được biết đến là dược liệu quen thuộc của người dân. Và cây huyết dụ chữa rong kinh cũng là một trong những công dụng tuyệt vời của cây này.
Câu chuyện ly kỳ về câu huyết dụ
Sau giấc mộng kỳ lạ của một nhà sư, người làm nghề mổ lợn đã cắm con dao bầu của mình trước sân chùa xin giải nghệ; con dao biến thành cây huyết dụ – cây thuốc chữa các chứng bệnh có chảy máu.Huyết dụ là cây cảnh được nhập trồng từ lâu đời. Tên gọi của nó bắt nguồn từ một câu chuyện cổ Phật giáo: Ngày xưa, có một người chuyên nghề giết lợn. Nhà anh ta ở cạnh một ngôi chùa. Hằng ngày, cứ mờ sáng, hễ nghe tiếng chuông chùa là anh thức dậy mổ lợn. Một hôm, sư cụ trên chùa nằm mộng thấy một người đàn bà dắt 5 đứa con đến xin cứu mạng. Sư hỏi cứu như thế nào, bà ta nói chỉ cần ra lệnh cho chú tiểu sáng hôm sau đánh chuông chậm lại. Sư cụ thực hiện đúng lời thỉnh cầu, nên anh đồ tể ngủ quên, dậy muộn quá, không kịp thịt lợn nữa. Anh chàng tức giận sang chùa trách sư cụ, và được kể về giấc mơ kể trên. Về nhà, anh ta thấy con lợn mình mới mua định giết thịt sáng nay đã đẻ được 5 lợn con.
Anh đồ tể bỗng giật mình hối hận vì đã giết rất nhiều sinh mạng, liền chạy về nhà cầm con dao bầu rồi sang cắm giữa sân chùa, thề rằng từ nay xin giải nghệ. Về sau, con dao hóa thành một loại cây có lá màu đỏ như máu, nhọn như lưỡi dao bầu và được người đời đặt tên là cây huyết dụ.
Dân gian dùng cây huyết dụ chữa rong kinh như thế nào?
Theo Đông y, huyết dụ có vị nhạt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng bổ huyết, tiêu ứ, cầm máu dùng chữa chứng kiết lỵ, rong kinh, phong thấp nhức xương, xích bạch đới…
Huyết dụ chữa rong kinh: Lấy 20 gr lá huyết dụ, 10 gr rễ cỏ tranh, 10 gr đài tồn tại trên quả mướp, 10 gr rễ gừng.
Tất cả mang thái nhỏ sắc với 400 ml nước còn 100 ml. Chia uống làm hai lần trong ngày.
Lưu ý khi dùng cây huyết dụ:
Phụ nữ trước khi sinh con và sau khi sinh mà bị sót nhau thì không được dùng thuốc có vị huyết dụ.