Chế độ dinh dưỡng cho trẻ thừa cân béo phì
Trẻ bị béo phì luôn là đề nhức đầu với cha mẹ, nên cho trẻ ăn như thế nào để đảm bảo dinh dưỡng và không làm trẻ tăng cân quá mức. Dưới đây sẽ là những chia sẻ về chế độ dinh dưỡng cho trẻ béo phì mà các bậc phụ huynh cần chú ý.
Nguyên tắc dinh dưỡng
Khi trẻ đã bị thừa cân béo phì, cần một chế độ ăn phù hợp, người nuôi trẻ cần chú ý các nguyên tắc quan trọng của một chế độ dinh dưỡng dành cho các trẻ này:
– Giảm các thực phẩm có năng lượng rỗng, là những thực phẩm chủ yếu cung cấp năng lượng nhưng nghèo các chất dinh dưỡng thiết yếu như vitamin và chất khoáng. Các thực phẩm nên hạn chế tối đa như nước ngọt, bánh kẹo ngọt, thức ăn chế biến sẵn như gà rán, xúc xích,… các loại da, phủ tạng động vật, bột tinh chế …
– Tăng các thức ăn có nhiều chất xơ, vitamin, chất khoáng và ít năng lượng như rau, trái cây ít ngọt, củ được chế biến dưới dạng hấp luộc…
– Đảm bảo đủ khẩu phần đạm thiết yếu bằng cách chọn các loại thịt nạc, cá nạc, ưu tiên thịt gà, cá, đậu đỗ,… giúp trẻ phát triển thể chất để hoàn thiện cơ thể.
– Đảm bảo trẻ uống đủ sữa theo độ tuổi. Nhiều người có quan niệm sai lầm khi con thừa cân béo phì là cắt giảm sữa ngay vì cho rằng sữa sẽ làm con tăng cân hơn. Trong khi đó, sữa lại là nguồn thực phẩm hoàn hảo nhất trong thiên nhiên vì chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng với tỷ lệ cân đối. Hiện tại, không có một thực phẩm nào có hàm lượng các chất dinh dưỡng giúp phát triển chiều cao (canxi, vitamin D, phosphor, đạm whey, lactose…) tốt hơn sữa nếu tính trên cùng đơn vị cung cấp 1000kcalo. Ví dụ một ly sữa 200ml sẽ cung cấp 120 – 130kcal với khoảng 40 chất dinh dưỡng quý, hơn là 1 chén cơm có thức ăn có thể cung cấp đến 300kcal nhưng vẫn thiếu các chất dinh dưỡng giúp phát triển chiều cao. Chính vì vậy, sữa đặc biệt quan trọng với trẻ em béo phì, trẻ cần giảm năng lượng để không tăng cân, nhưng cần đủ các dưỡng chất quý để tăng chiều cao. Do đó, với trẻ em béo phì, sữa là loại thực phẩm không những không giảm mà còn phải tăng thêm trong khẩu phần hàng ngày. Tuy nhiên, phải biết chọn lựa loại sữa phù hợp với trẻ, không nên cho trẻ uống sữa thông thường giàu béo, giàu ngọt, mà nên chọn sữa dành riêng cho trẻ thừa cân béo phì, ít béo, thấp năng lượng, giàu đạm và các khoáng chất vi lượng.
– Chia nhỏ bữa ăn, mỗi ngày cho trẻ ăn 5 – 6 lần, mỗi lần ăn ít tốt hơn là ăn ít bữa nhưng lại ăn quá no trong một bữa.
Những lưu ý trong chế độ ăn
Việc xây dựng khẩu phần ăn cho trẻ thừa cân béo phì đảm bảo những nguyên tắc cơ bản trên, tuy nhiên việc thực hiện cụ thể như thế nào cho từng trẻ để đạt hiệu quả không hề đơn giản. Trẻ đã hình thành thói quen ăn uống từ trước, trẻ có xu hướng thích thức ăn ngọt, béo, sữa giàu béo… hay trẻ đang ăn khẩu phần lớn. Những thức ăn giúp hạn chế tăng cân chưa chắc trẻ đã thích, hay cho trẻ ăn khẩu phần nhỏ trẻ sẽ thấy đói… Cần có thời gian và sự cố gắng của mọi người, không nên quá nôn nóng thay đổi khẩu phần quá nhanh trẻ không thích nghi được, dễ chống đối, không thể thực hiện có hiệu quả được. Một số lưu ý:
– Trẻ phải được tư vấn kỹ và thường xuyên về chế độ ăn của mình, trẻ cần được giải thích rõ ràng việc tăng cân quá mức sẽ không tốt cho trẻ như thế nào, tại sao phải thay đổi thói quen ăn uống, cũng như cha mẹ, người lớn phải làm gương cho trẻ.
– Giảm dần thức ăn có nguy cơ chứ không giảm đột ngột, chẳng hạn trẻ thích ăn gà rán, trước đây trẻ ăn 5 lần/ tuần, hãy giảm dần mỗi tuần một lần, từ từ thay thế bằng các món ăn ít năng lượng hơn.
– Nên cho trẻ uống sữa ngay trước bữa ăn để thay thế một phần thức ăn, hoặc cho trẻ ăn thức ăn mới ít năng lượng trước, sau đó mới cho ăn đến thức ăn trẻ ưa thích sau. Chẳng hạn, hôm nay bé được ăn gà rán nếu ăn hết một phần gỏi cuốn hoặc bò bía nhiều rau…
– Khéo léo chọn món ăn có khẩu vị gần với bình thường nhất: gỏi cuốn, bò bía, cá hấp cuốn bánh tráng… thường ít năng lượng nhưng nhiều rau cho bữa ăn của trẻ.
– Chế biến thức ăn đơn giản, tránh sử dụng dầu, mỡ như hấp, luộc, nấu canh, nướng… thay cho chiên, xào, quay… Hạn chế tẩm ướp và pha nước sốt với các nguyên liệu béo và ngọt. Dùng đường ăn kiêng thay đường thường trong chế biến thực phẩm.
– Trẻ em bị thừa cân béo phì, thường hay đói hơn so với trẻ bình thường, và khi ăn thì trẻ phải ăn một lượng thức ăn lớn hơn mới có cảm giác no. Do đó, phụ huynh nên tập trẻ ăn ít dần trong một bữa, tăng số lần ăn trong ngày. Tuyệt đối không bắt trẻ nhịn đói, nên chuẩn bị sẵn thức ăn để cho trẻ ăn ngay khi trẻ đói nhưng là những thức ăn ít năng lượng như canh rau củ, hạt é, sương sâm, sương sa, sương sáo, cuốn rau như gỏi cuốn, bò bía, trái cây ít ngọt, sữa không béo…
Hy vọng rằng với những chia sẻ trên đây về chế độ dinh dưỡng cho trẻ sẽ cung cấp những thông tin cần thiết cho các bậc phụ huynh để có chế độ dinh dưỡng phù hợp cho trẻ.
Xem thêm: