Những điều cần biết về căn bệnh thế kỷ – bệnh HIV

Bệnh HIV rất nghiêm trọng bởi vì nó vô hiệu hóa dần dần cơ thể của bệnh nhân trong việc chống lại bất kỳ loại bệnh tật nào. Hãy chú ý đến các triệu chứng ban đầu của hội chứng này để việc điều trị có thể được bắt đầu sớm.

HIV là gì?

HIV (Human Immunodeficiency Virus) là virus gây suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. Cơ thể người có hệ thống miễn dịch giúp chúng ta chống đỡ với sự xâm nhập của các vi sinh vật gây bệnh. Suy giảm miễn dịch có nghĩa là giảm dần sức chống đỡ của cơ thể khi bị ký sinh trùng, vi trùng hoặc virus tấn công và lúc đó cơ thể dễ mắc các bênh nhiễm trùng và một số bệnh ung thư.

Nói suy giảm miễn dịch mắc phải có nghĩa là quá trình này xảy ra trong khoảng thời gian sống của con người, không phải do di truyền hay bệnh bẩm sinh của hệ miễn dịch. HIV là chỉ gây suy giảm miễn dịch ở người, không gây bệnh cho các loại động vật khác.

Triệu chứng lâm sàng bệnh HIV

 1. Nhóm triệu chứng chính:

 – Sụt cân trên 10% cân nặng.

 – Tiêu chảy kéo dài trên 1 tháng.

 – Sốt kéo dài trên 1 tháng.

 2. Nhóm triệu chứng phụ:

 – Ho dai dẳng trên 1 tháng.

 – Ban đỏ, ngứa da toàn thân.

 – Nổi mụn rộp toàn thân (bệnh Herpes).

 – Bệnh Zona (giời leo) tái đi tái lại.

 – Nhiễm nấm (tưa) ở hầu, họng, kéo dài hay tái phát.

 – Nổi hạch ít nhất là 2 nơi trên cơ thể (không kể hạch bẹn) kéo dài trên 3 tháng.

 * Chẩn đoán AIDS: Khi có ít nhất 2 triệu chứng chính + 1 triệu chứng phụ, mà không do các nguyên nhân ngoài HIV như: ung thư, suy dinh dưỡng, thuốc ức chế miễn dịch,…

Các giai đoạn của HIV

Thời kỳ sơ nhiễm: Trong giai đoạn này, người nhiễm có thể không có biểu hiện bất thường hoặc có triệu chứng giống như cảm cúm, sau đó tự hết trong vòng 1 – 2 tuần.

Giai đoạn hai của nhiễm HIV là thời kỳ không có triệu chứng: người nhiễm vẫn có thể hoạt động bình thường. Giai đoạn này dài hay ngắn phụ thuộc vào thể chất và hành vi người nhiễm, có thể diễn tiến theo ba hướng:

Diễn tiến chậm: HIV hiện diện rất lâu trong cơ thể nhưng không gây triệu chứng bệnh lý gì nên chính người nhiễm cũng không biết nếu không đi xét nghiệm máu. Do vậy, có người nhiễm HIV trên 10 năm nhưng không có triệu chứng gì bên ngoài.

Diễn tiến trung bình: HIV xâm nhập và ở trong cơ thể 5 – 7 năm bệnh nhân mới xuất hiện các triệu chứng nhiễm trùng – biểu hiện sức đề kháng của cơ thể bị suy giảm (thời kỳ có triệu chứng). Nhờ những triệu chứng đó, người bệnh mới đi khám và biết nhiễm HIV.

Diễn tiến nhanh: bệnh nhân mới nhiễm HIV 2 – 3 năm đã xuất hiện các triệu chứng nhiễm trùng cơ hội, bệnh nhanh chóng chuyển qua giai đoạn AIDS.

Tuổi thọ người nhiễm HIV

Nguyên nhân chính làm người nhiễm HIV tử vong là do các nhiễm trùng cơ hội như lao phổi, lao màng phổi, lao màng não, lao hạch, nấm, suy kiệt…

Tuổi thọ người nhiễm HIV sẽ phụ thuộc vào thể chất và hành vi người nhiễm HIV.

Nếu người nhiễm HIV có thể chất tốt, dinh dưỡng đầy đủ, sinh hoạt điều độ, bệnh sẽ diễn biến chậm hoặc trung bình, khi đó người nhiễm HIV có thể vẫn sinh hoạt, làm việc bình thường mà không cần dùng thuốc điều trị trong hàng chục năm.

Nếu người nhiễm HIV có thể chất yếu, dinh dưỡng kém, sinh hoạt dễ dãi, chán nản, bất cần đời, tiếp tục có các hành vi nguy cơ và cso thể bị nhiễm thêm chủng HIV có độc lực cao, kháng thuốc, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (lậu, giang mai, sùi mào gà…) kích hoạt HIV phát triển nhanh, sức đề kháng ngày càng suy sụp, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội… HIV sẽ nhanh chóng chuyển sang AIDS.

Người nhiễm HIV có thể tăng tuổi thọ bằng cách sử dụng thuốc điều trị HIV, liệu pháp điều trị sớm: với mục đích ức chế sự nhân lên của virut HIV trong máu ở mức thấp nhất, phục hồi chức năng miễn dịch, giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội.

Phòng tránh nhiễm HIV cho người khác, người nhiễm HIV cần

Sử dụng bao cao su thường xuyên và đúng cách khi quan hệ tình dục .

Trong sinh hoạt cần dùng riêng những đồ cá nhân có thể dây dính máu như: kim, bơm tiêm, kim châm cứu, dao cạo râu, bàn chải đánh răng, nạo lưỡi, đồ làm móng tay chân…. hay những đồ cá nhân có liên quan đến dịch sinh dục như quần lót…

Khi máu, mủ rơi vãi ra ngoài thì dùng giấy, vải loại dễ hút nước để lau sạch, rồi lau sát trùng lại bằng nước Javel hoặc cồn.
Các loại rác có dính máu như: giấy, bông, băng, gạc, bơm kim tiêm… cần cho vào hai lớp túi nilon buộc chặt lại trước khi bỏ vào thùng rác, đem đốt hoặc chôn sâu 2 mét cách nguồn nước 10 mét hoặc cần sử lý rác theo đúng nguyên tắc sử lý rác y tế.

Tùy thuộc vào thể trạng và tinh thần của mỗi người mà có sức đề kháng khác nhau. Ngoài ra những yếu tố khác cũng góp phần đáng kể như mức độ chăm sóc, hỗ trợ, lối sống, chế độ nghỉ ngơi, vận động, dinh dưỡng hợp lý, yếu tố tinh thần… Thời gian nhiễm HIV chuyển sang AIDS có thể kéo dài từ 3-10 năm, thường là 9-10 năm.

Mong rằng bài viết trên đây có thể giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quan về căn bệnh HIV, căn bệnh nguy hiểm được mệnh danh là bệnh thế kỷ.

Xem thêm

Bệnh thái hóa não – nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị