Công dụng của cây Sim và cách tận dụng cây làm thuốc

Trong Đông y, toàn bộ bộ phận của cây Sim đều được chế biến thành thuốc chữa các bệnh từ đau đầu, cho đến thiếu máu thai phụ,… Để biết cụ thể về công dụng của cây Sim, chúng tôi mời các bạn tìm hiểu qua bài viết sau:

Theo Đông y, tất cả các bộ phận của cây sim đều có thể dùng làm thuốc. Trong đó, quả sim vị ngọt chát, tính bình, có tác dụng dưỡng huyết, chỉ huyết (cầm máu), cố tinh, dùng chữa các chứng huyết hư, thổ huyết, mũi
chảy máu, tiểu tiện ra máu, lỵ, di tinh, băng huyết…

Lá sim vị ngọt, tính bình, có tác dụng giảm đau, tán nhiệt độc, cầm máu, hút mủ, sinh cơ, dùng chữa đau đầu, tả lỵ, ngoại thương xuất huyết, ghẻ lở, chân lở loét… Rễ sim vị ngọt, hơi chua, tính bình, có tác dụng trừ phong thấp, cầm máu, giảm đau, dùng chữa viêm gan, đau bụng, băng huyết, phong thấp đau nhức, trĩ lở loét, bỏng lửa…

Cách tận dụng từng bộ phận của cây Sim để làm thuốc:

  • Quả:

Chảy máu mũi: Dùng quả sim khô 20g, nước 3 bát, sắc còn nửa bát, uống hết trong một lần.

Đại tiện xuất huyết: Dùng quả sim khô 20g, nước 2 bát (khoảng 400ml), sắc còn 8 phần (khoảng 320ml), chia 2 lần uống trong ngày; liên tục trong 1 tuần.

Thoát giang (lòi dom, trực tràng lòi ra ngoài hậu môn): Dùng quả sim tươi 30-60g (khô 15-30g) nấu với dạ dày lợn, dùng làm thức ăn trong bữa cơm.

Băng huyết, thổ huyết, đao thương xuất huyết: Dùng quả sim khô sao đen như than, nghiền thành bột mịn, cất vào lọ nút kín để dùng dần; mỗi lần uống 12-15g, chiêu thuốc bằng nước sôi; đối với vết thương bên ngoài có thể dùng bột thuốc bôi vào.

Phụ nữ mang thai thiếu máu, mới khỏi bệnh cơ thể suy yếu, thần kinh suy nhược: Dùng qủa sim khô 15- 20g, sắc với nước, chia nhiều lần uống trong ngày.

Bị bỏng: Dùng quả sim thiêu tồn tính, nghiền thành bột mịn, trộn với dầu vừng hoặc dầu lạc, bôi vào chỗ vết thương.

  • Lá:

Đau đầu kinh niên: Dùng lá và cành sim tươi 30g, cho vào nồi đổ ngập nước, đun còn nửa bát (khoảng 100ml); uống liên tục 2-3 ngày.

Viêm dạ dày, viêm ruột cấp: Dùng lá sim tươi 50-100g (lá khô 15-20g) sắc nước uống.

Ngoại thương xuất huyết: Dùng lá sim tươi, rửa sạch, giã nát, đắp vào chỗ vết thương.

  • Rễ:

Phong thấp đau nhức xương, lưng đau mỏi: Dùng rễ sim 40g, sắc với nước, chia 2 lần uống trong ngày, vào buổi sáng và buổi tối; có người còn thêm rễ gắm 20g, chân chim (ngũ gia bì) 20g vào cùng sắc uống.

Hen suyễn (dạng hư hàn): Dùng rễ sim khô 60g, sắc nước uống.

Sốt rét lâu năm, dưới sườn sinh khối tích (ngược mẫu): Dùng rễ sim khô 60g, đường đỏ 100g; có thể thêm ô dược 15g vào, sắc với nước, chia 2 lần uống trong ngày vào buổi sáng và buổi tối.

Cao hoàn sa xuống, sưng đau (sán khí, sa đì): Dùng rễ sim khô 30g, gà sống 1 con (khoảng 500g), rượu trắng 250ml; thêm nước vào hầm kĩ trong khoảng 2 giờ, chia thành 2-3 lần ăn trong ngày.

Trĩ, giang môn lở loét: Dùng rễ sim khô 40-50g, hoa hoè 15-20g; cùng nấu kĩ với lòng lợn; khi chín bỏ bã thuốc, ăn lòng lợn và uống nước canh; liên tục trong nhiều ngày.

Bỏng lửa: Dùng rễ sim khô đốt thành than, nghiền thành bột mịn, trộn với mỡ bò bôi vào vết thương.

Viên gan truyền nhiễm cấp: Dùng rễ sim khô 30g, sắc kỹ với nước, chia 2 lần uống sau bữa ăn. Mỗi liệu trình 20 ngày. Trường hợp vàng da nặng thì thêm cốt khí củ, nhân trần, bạch hoa xà thiệt thảo – mỗi thứ 15g, kê cốt thảo 30g cùng sắc uống.

Trúng độc benzene mạn tính: Dùng rễ sim, nữ trinh tử, hạn liên thảo (cỏ nhọ nồi) – ba thứ bằng nhau; nghiền thành bột mịn, luyện với mật làm thành viên, mỗi viên 6-9g; ngày uống 3 lần, mỗi lần 1-2 viên. Mỗi liệu trình 10 ngày. Uống đến khi huyết tương trở lại bình thường. Tại TQ các thầy thuốc đã tiến hành hàng loạt thử nghiệm lâm sàng, có kết quả tốt.