Công dụng của cây Khế và những điều cần lưu ý khi dùng

Khế lạ loại cây dân dã, thường được dùng để chế biến món ăn hoặc ăn trực tiếp. Nhưng ít ai ngờ rằng, công dụng của cây khế là vô cùng to lớn.

Thành phần dinh dưỡng của cây Khế

Khoa học hiện đại đã xác định trong thành phần của khế múi, có các chất theo g%: nước 92, protid 0,6, glucid 3,1; cellulose 2,6; và theo mg%: calcium 10; phosphor 8; sắt 0,9; caroten 160; vitamin B1 0,05; vitamin C 30.

công dụng của cây khế

Công dụng của cây Khế

Hầu hết các bộ phận của cây khế đều được sử dụng làm thuốc

Rễ được dùng làm thuốc sáp tinh, chỉ huyết, chỉ thống để trị di tinh, chảy máu mũi, đau đầu mãn tính, tê đau khớp xương.

Cành lá được dùng làm thuốc khư phong lợi thấp, tiêu thũng chỉ thống, để trị cảm mạo do phong nhiệt, viêm dạ dày – ruột cấp tính, tiểu tiện bất lợi, sản hậu phù thũng, đòn ngã tê đau, mụn nhọt…

Hoa có thể làm thuốc thanh nhiệt trị nóng, lạnh đan xen nhau. Quả được dùng làm thuốc sinh tân chỉ khát, trị ho do phong nhiệt, đau họng, bệnh lỵ…

Ngoài ra, trong dân gian còn biết đến công dụng trị cảm sốt, ngộ độc bằng cách uống nhiều nước khế ép, chữa dị ứng do tiếp xúc với sơn của loại quả này.

Ăn khế bị ê răng, nhai một nắm lá khế là hết. Lá khế sao thơm sắc uống chữa sốt nóng, cảm nắng, giúp lợi tiểu.

Nếu bị ho khan, ho đàm, lấy hoa khế tẩm rượu gừng sao thơm sắc uống.

Với trẻ em lên sởi, dùng lá khế (và vỏ cây khế) sắc uống thúc sởi mọc đều, nấu nước tắm để tiệt nọc sởi sau khi bay hết.

Một số bài thuốc thường dùng

– Chữa cảm sốt, nhức đầu, đi tiểu ít: Lá khế tươi 100 g sao thơm, nấu với 750 ml nước, sắc còn 300 ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn. Hoặc dùng lá khế tươi 100 g, lá chanh tươi 20 – 40 g, hai thứ rửa thật sạch, giã nát, vắt lấy nước chia 2 lần uống trước bữa ăn.

– Chữa lở sơn, mày đay: Lá khế khoảng 20 g rửa sạch cho vào nồi nấu nước uống. Lấy 1 nắm lá khế, rửa sạch giã lấy nước cốt đặp lên vùng da bị tổn thương.

– Chữa cảm cúm: Đau người, hắt hơi sổ mũi, ho. Dùng 3 quả khế nướng vắt nước cốt hòa 50 ml rượu để uống. Uống sau bữa ăn 30 phút.

– Chữa đái dắt, đái buốt: Dùng lá khế 100g, rễ cỏ tranh 40 g. Cho 500 ml nước đun nhỏ lửa còn 150 ml nước, ngày một thang, chia 2 lần. Dùng liền 3 thang, sau đó tái khám. Mỗi liền trình có thể dùng 10 – 15 thang. Hoặc khế chua 7 quả, mỗi quả chỉ lấy 1/3 phía gần cuống. Nấu với 600 ml nước, sắc còn 300 ml, uống lúc còn ấm nóng.

– Chữa viêm họng: Lá khế 40 g rửa sạch, thêm vài hạt muối giã nhỏ vắt nước cốt ngậm, ngày nhiều lần.

– Chữa ho do lạnh có đờm: Hoa khế 20 g sao qua, sau đó tẩm nước gừng đem sao tiếp. Sắc lấy nước uống. Có thể thêm cam thảo nam 12 g, tía tô 8 – 10 g, kinh giới 8 – 10 g. Cho 750 ml nước, đun còn 300 ml, chia 3 lần uống trong ngày. Dùng liền 6 ngày.

– Phòng hậu sản cho phụ nữ sau sinh: Quả khế 20 g, vỏ cây hồng bì 30 g, rễ cây quả giun 20 g, sắc uống thay nước giúp phòng hậu sản.

– Chữa sốt cao lên cơn giật ở trẻ em: Hoa khế, hoa kim ngân, lá dành dành, cỏ nhọ nồi mỗi thứ 8g, cam thảo 4 g, bạc hà 4 g, sắc đặc chia nhiều lần uống trong ngày.

Những điều cần lưu ý khi dùng cây Khế

Lưu ý, trong khế có hàm lượng axít oxalic cao nên những người bị bệnh thận cần tránh ăn khế nhiều và thường xuyên, khiến sỏi thận nặng hơn.

Chất axit này còn cản trở sự hấp thu canxi trong cơ thể nên những người còi xương, có vấn đề xương khớp, trẻ dưới 5 tuổi nên hạn chế ăn.

Dấu hiệu nhận biết cơ thể không thích hợp để ăn khế là sau khi ăn khế từ 1-5 giờ, cơ thể cảm thấy buồn nôn, ói mửa, nấc cụt, mất ngủ…

Tổng hợp