Cách trồng, chăm sóc và trừ sâu bệnh cho cây Kim Giao

Kim giao là loại cây dễ trồng, nhanh phát triển. Bộ phận của cây giao đều có ứng dụng: Gỗ mịn có nhiều vân đẹp, dùng làm các đồ mỹ nghệ, làm đũa, làm tượng. Lá có thể làm thuốc chữa ho, chữa cảm. Với những công dụng tuyệt vời như trên, nhiều người đã tìm đến cách trồng cây Kim giao cho hiệu quả cao nhất.

Trồng và chăm sóc

*Thời vụ trồng: Kim giao trồng vào vụ xuân từ tháng 2- 4 hoặc vụ thu từ tháng 7- 10

*Phương thức và mật độ trồng

– Trồng kim giao ở những nơi đất còn tốt, sâu, ẩm. – Cự ly cây 3x3m. Cự ly hàng 5- 6m.

+ Trồng theo cụm: Mỗi cụm 3 cây, cụm cách nhau 5m.

+ Trồng theo hàng: Trồng theo kiểu nanh sấu để tiện theo dõi và chăm sóc. * Tiêu chuẩn cây con: Tuổi cây từ 16-18 tháng tuổi, có chiều cao 30-40 cm, đường kính cổ rễ 0,6-0,8 cm.

*Kỹ thuật trồng

– Đào hố: 40x40x40 cm, bố trí hình nanh sấu giữa các hàng. Cuốc hố trước khi trồng 1 tháng.

– Lấp hố bằng lớp đất mặt xung quanh hố, trộn thêm khoảng 100g Supe lân.

Nếu trồng làm cây cảnh hoặc trong các vườn sưu tập cần bón thêm phân chuồng hoai 1kg/1 hố, vun đất theo hình mui rùa.

– Trồng cây: Dùng cuốc bới bổ giữa hố sâu bằng chiều cao của bầu. Bóc bầu, đặt cây sao cho cổ rễ ngang mặt hố, rồi vun đất xung quanh cho kín, ấn chặt.

* Kỹ thuật chăm sóc:

– Chăm sóc 3-4 năm đầu, mỗi năm 2 lần vào tháng 4-5 và tháng 9-10.

+ Hai năm đầu cây sinh trưởng chậm, mỗi năm chỉ cao được 40- 50 cm, hoặc hơn, tùy thuộc vào điều kiện môi trường. Do đó phải tiến hành phát dọn những cây xâm chiếm và chèn ép, cây bụi che bóng và cỏ dại.

+ Từ năm thứ 3- 4 trở đi cây sinh trưởng nhanh hơn, chiều cao trung bình có thể đạt hơn 1m- 1,5m.

– Biện pháp chăm sóc:

Phát dọn dây leo, cỏ dại, cây bụi. Xới đất xung quanh gốc, đường kính rộng 60-80 cm, sâu 3-4 cm, vun gốc kết hợp bón thúc từ 0,1-0,3 kg phân NPK/cây vào lần chăm sóc đầu. Khi chăm sóc cần kết hợp với trồng dặm để đảm bảo tỷ lệ thành rừng. Kết hợp công tác phòng chống cháy rừng, bảo vệ rừng không để người và gia súc phá hại. Nếu trồng làm cảnh thì cần chú ý tỉa cành, chăm sóc tán để tạo dáng đẹp.

3. Phòng trừ sâu, bệnh hại

-Bệnh đốm than: Bệnh ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây và mỹ quan. Để phòng trừ bệnh, phải cắt bỏ là bệnh và đem đốt. Trước khi bị bệnh phun Boocđô 1%, sau khi phát bệnh phun Daconil liên tục 2-3 lần trong 10 ngày.

– Bệnh đốm xám: Thường gây ra ở mép lá và ngọn lá, lá khô nứt ra và rụng dần.

Ban đêm, trên lá có các chấm nhỏ màu vàng, rồi lan rộng thành đóm màu nâu sẫm hoặc nâu, về sau thành màu trắng xám. Để phòng trừ, cần tăng cường quản lý, bón phân P, K, kịp thời cắt bỏ lá bệnh và đốt đi; phun thuốc phòng bệnh đốm xám bằng Topsin 0,1%.

– Bệnh khô cành: Trên cành non có các đốm màu hạt dẻ, hình bầu dục.

Đốm bệnh phát triển mạnh làm cho cành bị khô, lá rụng. Bệnh nặng có thể làm cho cây bị trụi lá, dễ gãy, gặp mưa bão cành gẫy hàng loạt. Cần tỉa thưa, bón phan hợp lý, phun Boocđô 1% đề phòng xâm nhiễm, phun hợp chất lưu huỳnh vôi 0,3-0,50 Be, hoặc Zineb 0,2%.

– Bệnh thảm nhung: Phun bột lưu huỳnh pha loãng 150 lần, trộn với Ovex 0,1%, hoặc dùng TDN 0,2% để phòng trừ.

– Phòng chống mối: (Dùng LORSBANE-50EC hoặc SUMICIĐINE-20EC) 4 lít thuốc pha tỷ lệ 70 lít nước-phun vào hố trước khi trồng 10 – 15 ngày.

– Phòng chống dế: Dùng bả gồm 90% cám gạo rang + 10% phân ngựa, bò khô + 11/000 BAĐAN-95 sp, vê viên băng hạt đậu tương, rắc mỗi gốc 2 viên sau khi trồng.

4. Khai thác, sử dụng

Khai thác kim giao để làm đũa đối với cây trên 5 năm tuổi. Kim giao có thể cho

khai thác lấy gỗ khi tuổi trồng đạt ít nhất 15 năm.

Xem thêm:

Công dụng của cây Kim giao không phải ai cũng biết