Bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh cần điều trị như thế nào?

Không giống các trẻ lớn, trẻ sơ sinh bị viêm phổi có các triệu chứng khó nhận biết hơn. Đối với trẻ 5 hay 10 tuổi, trẻ bị viêm phổi thường có các triệu chứng điển hình như ho, sốt. Còn đối với trẻ sơ sinh, trẻ có thể không có 2 triệu chứng này, hoặc sốt rất nhẹ, do đó các bậc cha mẹ cần hết sức lưu ý. Dưới đây là một số kiến thức giúp các bậc cha mẹ hiểu hơn về bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh.

Những nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh dễ bị viêm phổi

Khi trẻ nhỏ bị viêm phổi, nguyên nhân đầu tiên cha mẹ thường nghĩ tới là do thời tiết lạnh. Tuy nhiên đó chỉ là một tác nhân, còn những nguyên nhân dẫn tới căn bệnh này thực ra đã có từ rất sớm.

Trẻ sơ sinh bị viêm phổi chủ yếu do các loại vi khuẩn như Listeria, Coli, các vi khuẩn Gram âm. Nhiễm khuẩn phổi có thể xảy ra từ trước, trong hoặc sau khi đẻ, liên quan tới thời gian vỡ ối trước khi đẻ.

Cụ thể như sau:

Thời gian vỡ ối từ trên 6 giờ đến 12 giờ trước đẻ: 33% trẻ bị viêm phổi.
Vỡ ối từ trên 12 giờ đến 24 giờ trước đẻ: 51,7% trẻ bị viêm phổi.
Vỡ ối từ trên 24 giờ trở lên: 90% trẻ bị viêm phổi.
Trong khi đỡ đẻ, hồi sức sau đẻ và chăm sóc trẻ sơ sinh cũng cần thực hiện vô trùng vì trẻ sơ sinh rất dễ bị nhiễm khuẩn từ dụng cụ và môi trường, người chăm sóc.

Trẻ sơ sinh có thể bị viêm phổi là do hít phải nước ối, phân su đã bị nhiễm khuẩn hoặc dịch tiết ở đường sinh dục của người mẹ trong lúc trẻ chuẩn bị chào đời.

Thêm nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị viêm phổi đó thai nhi trong tử cung bị thiếu dưỡng khí. Trong quá trình mang thai, người mẹ phải đi kiểm tra định kỳ, nhất là giai đoạn cuối, để phát hiện tình trạng này và có biện pháp can thiệp kịp thời.

Ngoài ra, những trẻ thiếu cân do các phản xạ đường thực quản còn chưa hoàn thiện, vận động cơ chưa đều đặn nên thường xuyên bị trào ngược thực quản dạ dày khiến sữa bị hít nhầm vào phổi, gây ra các triệu chứng thở gấp, hụt hơi, tím tái mắt, lượng sữa hít vào càng nhiều thì triệu chứng càng nặng, gây ra viêm phổi. Trẻ bị các bệnh như viêm khoang miệng, viêm da, viêm dây rốn cũng có thể dẫn tới viêm phổi.

Triệu chứng của trẻ sơ sinh bị viêm phổi

Viêm phổi ở trẻ sơ sinh, triệu chứng của bệnh ban đầu thường nghèo nàn, và không rõ ràng. Vậy nên nếu thấy trẻ có những dấu hiệu bú kém hoặc bỏ bú, sốt trên 37,5oC hoặc hạ thân nhiệt; Thở nhanh trên 60 lần trong 1 phút hoặc khó thở. Khi có triệu chứng rõ ràng thì bệnh đã nặng: Trẻ sốt hoặc hạ thân nhiệt, li bì, đáp ứng kém với kích thích, bú kém hoặc bỏ bú, nôn nhiều, chướng bụng, khó thở, rút lõm lồng ngừng, tím tái… Do đó, cha mẹ hoặc người thân cần chú ý tình trạng của trẻ để phát hiện sớm các dấu hiệu ban đầu khi trẻ có biểu hiện sốt, bỏ bú, thở nhanh… phải đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời tránh biến chứng nặng có thể dẫn đến tử vong.

Cha mẹ có thể dễ dàng quan sát nhịp thở của trẻ bằng cách vén áo để quan sát sự di động của lồng ngực hoặc bụng, Phải quan sát lúc trẻ nằm yên hoặc ngủ, không được quan sát lúc trẻ đang quấy khóc. Nếu trẻ có thở nhanh, sẽ thấy sự di động đó nhanh hơn những ngày trẻ bình thường. Có thể phát hiện trẻ thở thanh bằng các chỉ số dưới đây:

Đối với trẻ từ 1-5 tuổi, nếu thở từ 40 lần trong 1 phút trở lên;
Đối với trẻ từ 2 tháng đến 1 tuổi, nếu thở từ 50 lần trong 1 phút trở lên;
Đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi, nếu thở từ 60 lần trong 1 phút trở lên.
Cũng có thể nhận biết bằng cách khác, vén áo trẻ lên và quan sát lồng ngực. Nếu thấy trẻ thở khác thường hoặc khi thở phát ra một tiếng bất thường nào đó, cũng có thể trẻ đã bị viêm phổi.

Quan sát phần ranh giới giữa ngực và bụng xem có dấu hiệu lõm vào khi trẻ hít vào hay không? Ðể quan sát dấu hiệu này dễ dàng và chính xác, hãy bế trẻ nằm ngang trên lòng mẹ hoặc đặt trẻ nằm ngang trên giường. Hiện tượng này phải thấy thường xuyên ở bất kỳ nhịp thở nào của trẻ khi trẻ nằm yên hoặc ngủ mới có giá trị, còn nếu chỉ thấy lúc trẻ quấy khóc hoặc khi cố gắng hít sâu không được coi là co rút lồng ngực. Một trẻ có co rút lồng ngực chứng tỏ đã bị viêm phổi nặng, cần được đưa đến bệnh viện điều trị ngay.

Tóm lại, các dấu hiệu nhận biết trẻ sơ sinh bị viêm phổi rất mơ hồ, không giống nhau ở các trường hợp, vậy nên khi bạn gặp bất kỳ một dấu hiệu khác lạ nào ở trẻ, bạn cần đưa trẻ sớm đến gặp bác sỹ đẻ được thăm khám và có biện pháp điều trị kịp thời trước khi bệnh chuyển sang giai đoạn nặng hơn.

Điều trị viêm phổi trẻ sơ sinh

Chống suy hô hấp: Tại bệnh viện trẻ sẽ được hút đờm rãi, thở ôxy… tuỳ theo mức độ suy thở.
Chống nhiễm trùng: Dùng kháng sinh phổi hợp 2 loại, phổ rộng, có hiệu quả với cả chủng vi khuẩn Gr (-) và Gr (+). Cần dùng đủ liều cần thiết và nên tiêm đường tĩnh mạch.

Phòng bệnh cho trẻ sơ sinh như thế nào?

Bảo đảm giữ ấm cho trẻ.
Chăm sóc, cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ hoàn toàn để tăng sức đề kháng cho trẻ.
Giữ vệ sinh cho trẻ, người chăm sóc phải rửa tay trước và sau khi chăm sóc trẻ để trẻ không bị lây nhiễm vi khuẩn.
Dụng cụ để chăm sóc trẻ như cốc, thìa, chăn, áo, tã… phải sạch, khô, vô trùng.
Làm tốt những việc trên, các bậc cha mẹ sẽ giúp phòng tránh viêm phổi, giúp trẻ khoẻ và giảm tỷ lệ tử vong cho trẻ sơ sinh.

Mong rằng những thông tin về bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh trên đây sẽ hữu ích cho bạn đọc!

Xem thêm

Bệnh xương khớp ở trẻ em, cha mẹ cần lưu ý những gì?