Cách trồng cây thủy sinh trong chậu để bàn
Mỗi ngày, hàng tá công việc phải giải quyết khiến chúng ta mệt mỏi, chán nản. Thêm vào đó, những thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại tưởng chừng hút hết năng lượng sống từ mỗi người. Giải pháp được ưa chuộng hiện nay là sử dụng cây cảnh để bàn để đem lại nguồn sinh khí cho nơi làm việc. Nhiều người cũng đặt cây ở bàn đọc sách, bàn trang điểm hay bàn ăn, … Cây cảnh bây giờ không chỉ được trồng đất mà còn được trồng trong nước. Vậy, cách trồng cây thủy sinh trong chậu để bàn, bạn đã biết?
Ưu điểm của trồng cây thủy sinh
Nhiều loại cây cảnh trồng đất vẫn có thể được trồng thủy sinh như cây Hồng Môn, cây Phú Quý, cây Cau Tiểu Trâm, cây Kim Ngân, cây Phất Dụ, … Đây đều là những cây có thể lọc không khí, chất độc hay bức xạ rất tốt, rất thích hợp để bàn làm việc. Ngoài tiết kiệm được không gian, diện tích trưng bày, còn có thể linh hoạt đặt được ở nhiều nơi. Đối với dân văn phòng, việc trồng cây thủy sinh sẽ tiện lợi hơn rất nhiều so với trồng trong đất. Trồng nước sẽ tạo cảm giác tươi mát hơn, vệ sinh rất dễ, không bị vương vãi đất khắp nơi khó dọn dẹp, thích hợp để trang trí.
Không chỉ vậy, những cây cảnh này còn mang nhiều ý nghĩa phong thủy tốt đẹp cho người trồng. Đặc biệt là đối với người mệnh Mộc, mệnh Thủy, trồng cây thủy sinh khá là tốt, tiền tài sẽ vào như nước, công việc thăng tiến ào ào, tình duyên êm đẹp hạnh phúc, cuộc sống vui vẻ mỹ mãn. Duy chỉ có người mệnh Hỏa là cần cân nhắc cẩn thận khi trồng cây thủy sinh vì Thủy khắc chế Hỏa, dễ dẫn đến dập tắt niềm tin hi vọng, công việc ngưng trệ.
Kỹ thuật trồng cây thủy sinh
Chuẩn bị trước khi trồng
Đầu tiên là lựa chọn loại cây thích hợp với gia chủ. Bạn có thể dựa vào cây hợp tuổi, hợp mệnh hoặc hợp cung Hoàng Đạo. Cây trồng nên là loại ưa nước, có thể sống được trong nước. Một số cây lá thân mọng nước, chịu hạn, ví dụ như cây xương rồng hay sen đá thì tuyệt đối không thể nào trồng bằng phương pháp này được.
Tiếp theo là chọn bình hay chậu trồng. Về chất liệu, thích hợp nhất vẫn là chậu trồng bằng thủy tinh trong suốt để dễ dàng quan sát bộ rễ bên trong. Đó có thể là bình cổ kiểu, ly nước lớn, hay biến tấu bằng vỏ bóng đèn dây tóc cũng đều được.
Một số chất liệu khác như nhựa trong, epoxy cũng khá hợp lý. Chậu cây cần có kích thước phù hợp với cây trồng, không quá lớn dễ khiến cây bị ngập, cũng không quá nhỏ sẽ không đủ không gian để rễ cây phát triển.
Dùng miếng nhựa, mút xốp hoặc vài viên sỏi để cố định bộ rễ không bị trồi lên khỏi mặt nước, giữ cây đứng vững trong bình. Đặc biệt, vài viên sỏi trắng, sỏi màu hay đá bi màu có thể góp phần trang trí cho chậu cây thêm sinh động, bắt mắt.
Quan trọng nhất của phương pháp này là chuẩn bị nước sạch để trồng. Bạn dùng nước đóng chai hoặc nước giếng nơi có nguồn nước ngầm sạch đều được. Nếu sử dụng nước máy thì cần để bay hết clo rồi mới dùng. Và cần có dung dịch dinh dưỡng phù hợp với từng loại cây.
Tiến hành trồng cây
Trước khi trồng cây vào chậu, người trồng cần nhẹ nhàng tách cây ra khỏi đất trồng cũ, cẩn thận tránh làm đứt hay giập nát rễ. Dùng nước sạch rửa bộ rễ cho đến khi không còn bám đất hay bất kỳ thứ gì khác. Sau đó là cắt bỏ lá già, tỉa bớt rễ cho thoáng gọn, bỏ phần hư thối đi.
Công đoạn tiếp theo là vệ sinh, lau chùi sạch sẽ chậu trồng, cả bên ngoài và bề mặt bên trong, cẩn thận đặt bộ rễ của cây vào trong, đổ nước vào ngập khoảng 2/3 bộ rễ, dùng vật cố định cây đứng vững và cho thêm dung dịch dinh dưỡng vào, đặt ở nơi thoáng mát.
Chăm sóc chậu cây thủy sinh
Cây thủy sinh thường được đặt trên bàn làm việc hoặc nơi bóng râm, do đó cây trồng nên sống được dưới ánh sáng đèn huỳnh quang. Thường xuyên bật đèn chiếu sáng cho cây. Đồng thời mỗi tuần đem chậu cây ra phơi nắng nhẹ buổi sớm hoặc chiều tối tầm 2-3 giờ đồng hồ.
Chú ý thay nước 1 lần/tuần và cung cấp thêm nước cho cây thường xuyên để tránh bệnh, nấm cho rễ cây. Nước sử dụng để thay mới phải là nước sạch như đã nói ở trên. Tùy từng loại cây mà chọn cách thay nửa nước hoặc thay mới nước hoàn toàn. Đảm bảo nhiệt độ của nước mới và nước cũ trong bình là ngang nhau. Mỗi lần thay nước xong nên cho 1-2 giọt dịch thủy sinh hoặc 1-2 viên B1 để cây có chất dinh dưỡng nuôi cây.
Khi cây phát triển nhanh và mọc bộ rễ quá lớn, bạn có thể dùng kéo để tỉa bớt những rễ yếu, còi cọc hay rễ thối úng cho bộ rễ khỏe mạnh hơn, tránh nhiễm vi khuẩn hại cây.
|Lưu Ý: Đặt chậu cây thủy sinh ở nơi thuận tiện, tránh vướng víu tay chân dễ làm rơi ngã vỡ chậu văng nước tung tóe khó dọn dẹp. Và đặc biệt, cây rơi ra ngoài sẽ dễ dập rễ, khó phục hồi và chăm sóc về sau nếu trồng vào chậu mới.