Bệnh khớp ở người cao tuổi – nguyên nhân và cách điều trị
Đa phần các bệnh lý xương khớp đều mắc phải ở người trưởng thành, đặc biệt là người ở độ tuổi trung niên và cao niên. Tuy đa phần không gây nguy hiểm tới tính mạng, nhưng bệnh khớp ở người cao tuổi thường kéo dài dai dẳng, gây ảnh hưởng tới sinh hoạt và sức khỏe của người cao tuổi. Vậy nguyên nhân nào dẫn tới bệnh khớp ở người già? Điều trị như thế nào cho hiệu quả, các bạn hãy cùng mình tìm hiểu nhé.
Nguyên nhân gây ra bệnh khớp ở người cao tuổi
Người cao tuổi bị đau nhức xương, khớp là do các nguyên nhân như xương khớp bị viêm, thoái hóa khớp, loãng xương, bệnh Paget, thừa cân, béo phì hoặc do tư thế nằm ngủ hàng ngày không đúng. Nguyên nhân cụ thể của mỗi trường hợp như sau:
-Xương, khớp bị viêm, bị chấn thương hoặc do thiếu máu đến nuôi dưỡng tạm thời hoặc trường diễn. Trong đó, viêm khớp là hiện tượng đau nhức khủng khiếp. Ngoài ra, đau nhức xương khớp còn gây nên tình trạng sưng nề, bầm tím ở các khớp khiến cho việc đi lại, cử động khó khăn.
-Thoái hóa khớp do lão hóa của sụn khớp, quá trình phá hủy sụn nhiều hơn là tái tạo sụn làm cho sụn mỏng dần và gây đau đớn; đặc biệt khi vận động, thay đổi tư thế, khi thời tiết thay đổi và nhất là khi gặp thời tiết lạnh.
-Loãng xương do thiếu canxi, vitamin D hoặc do dùng một số loại thuốc. Loãng xương gây đau nhức các đầu xương, mỏi dọc các xương dài và đau nhức như châm kim khắp toàn thân, thường tăng về đêm. Loãng xương cũng gây đau cột sống, đau dây thần kinh liên sườn. Người bệnh luôn có cảm giác lạnh hoặc ớn lạnh, hay bị chuột rút (vọp bẻ), thường ra mồ hôi.
-Bệnh Paget xương (bệnh viêm xương biến dạng), gặp chủ yếu ở nam giới có tuổi cao. Bệnh Paget gây đau nhức trong xương hoặc khớp xương.
-Thừa cân, béo phì cũng gây ra tình trạng đau nhức xương khớp. Nguyên nhân là do trọng lực của cơ thể có tác động mạnh vào xương, khớp xương gây đau.
-Việc nằm ngủ hàng ngày sai tư thế gây thiếu máu đến nuôi màng hoạt dịch, gân, cơ, xương khớp bởi mạch máu bị chèn ép.
Đau nhức xương khớp ở người cao tuổi thường rất dai dẳng (nhiều ngày, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm), đặc biệt là nó gây mệt mỏi làm người bệnh ngại vận động, chỉ muốn nằm, ngủ hay nghỉ ngơi, do đó sẽ là nguyên nhân khiến các bệnh khác xuất hiện kèm theo.
Hậu quả do đau nhức xương khớp ở người cao tuổi
Người bệnh có cảm giác chân, tay tê buốt, đau nhức lưng, đầu gối, bàn tay, ngón tay khiến cho người bệnh gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và luôn cảm thấy buồn phiền. Một số trường hợp đau tức ngực do đau dây thần kinh liên sườn bởi thoái hóa cột sống lưng cũng làm cho người bệnh nhầm tưởng mắc bệnh tim mạch (thiểu năng mạch vành) hoặc bệnh phổi nên càng hoang mang, lo lắng. Điều đáng nói là càng bị đau nhức xương, khớp thì người bệnh càng sợ cử động dẫn đến các khớp trở nên tê cứng, khó cử động và bệnh càng ngày càng nặng thêm.
Phòng ngừa bệnh khớp ở người cao tuổi
Để phòng ngừa bệnh, vào mùa lạnh người già cần được giữ ấm cơ thể, đặc biệt là tại vị trí các khớp. Khi có dấu hiệu nhức khớp, tê, mỏi xảy ra (nhất là khi ngủ dậy) ở vị trí nào thì hãy làm nóng vùng xung quanh vị trí đó bằng cách thoa dầu. Như vậy sẽ làm nóng vùng xung quanh đó để cho các mạch máu giãn ra, vận chuyển máu được dễ dàng để nuôi các khớp. Ra đường cần mặc đủ ấm, cổ quàng khăn ấm, tay đi găng, chân đi tất. Về chế độ dinh dưỡng, cần có chế độ hợp lý để duy trì cân nặng ở mức độ vừa phải, tránh béo phì, thừa cân và đầy đủ các vi chất cần thiết. Nên bổ sung nhiều thực phẩm có chứa hàm lượng axit béo omega-3, các loại rau lá xanh và trái cây nhiều vitamin C, hạn chế các thực phẩm giầu axit béo omega-6. Hàng ngày, nên vận động nhẹ nhàng các khớp gối, cổ chân, bàn tay, ngón tay theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa khớp. Cần bổ sung canxi và vitamin D theo đơn của bác sĩ khám bệnh.
Điều trị bệnh khớp ở người cao tuổi
Giảm đau: Khi bị đau động tác đầu tiên là làm giảm đau, nên chườm lạnh (dùng khăn thấm nước lạnh), sau đó chườm bằng nước nóng (dùng khăn thấm nước nóng, nếu có điều kiện thì ngâm trong bồn tắm có nước ấm để cho người ấm lên, sau đó lau người khô và mặc quần áo). Nếu không có điều kiện hoặc không muốn chườm lạnh, chườm nóng thì có thể xoa, bóp nhẹ nhàng rồi dùng dầu (ví dụ dầu gió), kem xoa vào khớp làm cho nóng lên.
Giảm cứng khớp : Nếu thấy có hiện tượng cứng khớp thì cần tập co, duỗi (khớp gối, cổ chân), vặn mình nhẹ nhàng (khớp đốt sống lưng, thắt lưng), xoay cổ sang phải, sang trái một cách nhẹ nhàng (khớp đốt sống cổ).
Nếu các động tác vừa nêu trên thực hiện đều đặn mà không thấy bệnh thuyên giảm hoặc thuyên giảm nhưng rất chậm thì nên đi khám bác sĩ để được chỉ định dùng thuốc và tư vấn thêm, tuyệt đối không tự động mua thuốc để uống hoặc tiêm vì các loại thuốc dùng trong điều trị thoái hóa khớp cần được hiểu rõ cơ chế tác dụng chính và đặc biệt là các tác dụng phụ.
Các biện pháp: xoa bóp, châm cứu, nhiệt, kích thích các đầu mút thần kinh bằng điện (TEN), yoga, đi bộ, đạp xe…
Tập luyện để tăng cường sức cơ và khối lượng cơ, đặc biệt cơ tứ đầu đùi, cơ lưng, cơ quanh vai… để tăng cường hoạt động của các khớp gối, cột sống, vai…
Duy trì một chế độ tập luyện và phục hồi chức năng đều đặn, hết sức tránh việc bất động khớp (trừ giai đoạn đang viêm cấp) vì khi không vận động khớp sẽ dễ dàng bị cứng, giảm tiết dịch khớp, xơ hóa các dây chằng, teo cơ, loãng xương, dính khớp và mất dần chức năng của khớp.
Thực hiện chế độ “Tiết kiệm khớp”. Sụn khớp là một tổ chức bao bọc các đầu xương của khớp, có tác dụng điều chỉnh sự đàn hồi và chịu lực cho khớp, nhờ sụn khớp mà hai đầu xương tách rời và khớp có thể vận động được. Tổn thương cơ bản của thoái hóa khớp là tổn thương sụn khớp do hiện tượng lão hóa và do bị chịu lực kéo dài. Sụn khớp là một tổ chức rất khó tái tạo, giống như “vốn liếng” trời cho chỉ có chừng đó nếu sử dụng lãng phí sụn khớp sẽ mòn hết, hai đầu xương sẽ không bị ngăn cách và vận động của khớp sẽ bị cản trở. Chế độ “Tiết kiệm khớp” sẽ giúp mỗi người biết cách sử dụng khớp hợp lý, tránh các động tác xấu, tránh các động tác không cần thiết, tránh sử dụng hết “vốn liếng” trước thời hạn.
Bồi dưỡng sụn khớp, xương và các tổ chức quanh khớp bằng chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, vitamin và khóang chất (protein, calcium, vitamin D, vitamin nhóm B …)
Hi vọng rằng với những thông tin về bệnh khớp ở người cao tuổi trên đây, bạn đọc có thể hiểu tổng quát về bệnh để có thêm kiến thức hỗ trợ phòng bệnh và trị bệnh cho người cao tuổi trong gia đình. Cám ơn các bạn đã đọc!
Xem thêm
Bệnh thái hóa điểm vàng ở người già, nguyên nhân và cách điều trị