Công dụng của cây gấc dưới góc nhìn Đông y
Với những công dụng của cây gấc, người ta nhận thấy đây có thể được coi là một cây thuốc quý. Dầu gấc chứa lycopen thực vật nên có tác dụng chống lão hóa, phòng chữa sạm da, trứng cá, khô da, rụng tóc, nổi sần có tác dụng dưỡng da, bảo bệ da, giúp cho da luôn hồng hào, tươi trẻ và mịn màng.
Tên khác: Mộc miết (木鳖), Muricic (Pháp), Cochinchina Momordica (Anh).
Tên khoa học: Momordica cochinchinensis (Lour) Spreng, họ Bầu bí (Cucurbitaceae).
Mô tả: Cây gấc là một loại dây leo, mỗi năm lụi một lần, nhưng lại đâm chồi từ gốc cũ lên vào mùa xuân năm sau. Lá mọc so le, chia thùy khía sâu tới ½ phiến lá. Hoa đực, hoa cái riêng biệt, cánh hoa màu vàng nhạt. Mùa hoa tháng 4-5. Quả hình bầu dục dài độ 15-20cm, đáy nhọn, ngoài có nhiều gai, khi chín màu vàng đỏ đẹp tươi. Mùa quả tháng 6 đến tháng 2 năm sau. Gấc nếp thì thưa gai hơn gấc tẻ.
Trong quả có nhiều hạt xếp thành những hàng dọc, quanh hạt có màng màu đỏ máu, tươi. Bóc lớp màng đỏ sẽ thấy hạt hình gần giống con ba ba nhỏ, ngoài có lớp vỏ cứng, mép có răng cưa. Trong hạt có nhân trắng chứa nhiều dầu.
Bộ phận dùng: Màng hạt, nhân hạt (Mộc miết tử – Semen Momordicae), rễ.
+ Hạt gấc: Còn gọi là Mộc miết tử là hạt lấy ở quả gấc chín (Semen Momordicae) đã bốc vỏ màng và chế biến khô.
+ Dầu gấc: (Oleum Momordicae) là dầu ép từ màng đỏ bọc hạt gấc.
+ Rễ gấc: Còn gọi là Phòng kỷ nam là rễ cây gấc (Radix Momordiae) phơi khô.
Công dụng của cây gấc
(1) Hạt gấc (Mộc miết tử): có vị đắng hơi ngọt, tính ấm, có độc. Vào các kinh Can, Tỳ và Vị. Có tác dụng tiêu thũng, tán kết. Dùng chữa mụn nhọt, phụ nữ sưng vú, hậu môn sưng đau, bị đòn hoặc bị ngã chấn thương.
(2) Rễ gấc (Mộc miết căn): Có vị đắng, hơi ngọt, tính lạnh. Có tác dụng tiêu viêm, giải độc, tiêu thũng, chỉ thống.
Một số bài thuốc có sử dụng các bộ phận của cây gấc:
(1) Chữa trĩ lòi dom: Hạt gấc giã nát, thêm một ít giấm thanh, gói bằng vải đắp vào nơi bị trĩ (hậu môn) để suốt đêm
(2) Chữa sưng vú: Giã nhân hạt gấc với một ít rượu (30-40 độ C) đắp lên nơi sưng đau.
(3) Chữa đau nhức do đòn, ngã: Dùng 100 hạt gấc, nướng lên, bóc bỏ vỏ, giã nát nhân, ngâm với 1 lít rượu trên 40 độ, sau khoảng 1 tuần là dùng được. Dùng thứ rượu này để xoa bóp chỗ đau nhức. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, thứ rượu xoa bóp này có tác dụng không kém rượu mật gấu, vì vậy nhiều người gọi đó là “rượu mật gấu thảo mộc
(4) Chữa ung nhọt, sưng hạch bạch huyết: Dùng rễ gấc tươi hoặc lá gấc tươi, rửa sạch, giã nát cùng với vài hạt muối, đắp lên chỗ sưng đau.
(5) Chữa lông quặm: Dùng hạt gấc 1 cái, bóc bỏ vỏ, nghiền mịn, dùng lụa bọc bột thuốc nhét vào lỗ mũi. Lông quặm ở mắt trái thì nhét lỗ mũi phải, lông quặm ở mắt phải nhét vào lỗ mũi trái. Mộc miết tử có tác dụng tiêu tán ứ nhiệt ở huyết phận, làm giảm sự co thắt kinh mạch, khiến lông mi khỏi đâm vào mắt.
Lưu ý khi dùng gấc
Mới đây, khoa dược đại học Y dược TP.HCM đã có một nghiên cứu khoa học về thành phần dược tính của cao lỏng hạt gấc, trong đó xác định độc tính cấp LD50 (liều dùng hạt gấc khi cho chuột uống sẽ làm 50% bị chết), rất quan trọng để người bệnh và thầy thuốc lưu tâm khi sử dụng hạt gấc làm thuốc. Theo đó, dùng dưới liều 20g/kg không làm chuột chết, còn dùng trên 180g/kg tất cả chuột đều chết. LD50 tính bằng phương pháp Behrens và Karber là 92,27g bột hạt gấc/kg.
Kết quả nghiên cứu này tuy chưa thật sự toàn diện nhưng đã chứng minh nhận định hạt gấc có độc trong các sách thuốc đông y là có cơ sở. Mà đã có độc tính thì không thể muốn dùng bao nhiêu cũng được. Dùng bôi ngoài, liều lượng chỉ nên 2–4g/ngày, khi dùng phải nướng chín hạt. Mọi người cần tránh sử dụng hạt gấc làm thuốc dùng trong qua đường uống một cách bừa bãi, chưa có sự tư vấn của thầy thuốc, vì có thể ngộ độc.
Vitamin A là loại vitamin tan trong dầu. Trong cơ thể, nó được tích trữ ở gan nên nếu dùng lâu ngày có thể gây ngộ độc. Ngộ độc cấp do dùng vitamin A quá liều gây tăng áp lực nội sọ, với các triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, nôn, thóp phồng ở trẻ còn bú, đau đầu vùng chẩm ở người lớn.
Người lớn mỗi ngày chỉ nên dùng 1-2ml dầu gấc, chia làm 2 lần, dùng trước bữa ăn. Khi đã dùng dầu gấc, nên chú ý không ăn đồng thời các rau quả giàu beta caroten như bí đỏ, cà rốt, đu đủ… trong cùng 1 ngày hoặc liên tục trong 1 thời gian, để tránh gây vàng da.
Trong quá trình sử dụng dầu gấc, khi thấy có dấu hiệu vàng da thì nên tạm ngừng. Nếu người dùng là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, chuẩn bị có thai hoặc đang mang thai, trước khi dùng dầu gấc nên tham khảo ý kiến bác sĩ sản khoa để có hướng dẫn cụ thể.
Ai nên ăn gấc và dùng dầu gấc?
Một cuộc khảo cứu đối với đàn ông, bao gồm cả những người có tiền sử mắc bệnh tim mạch và những người khoẻ mạnh, bình thường. Các nhà giáo sư đã đi tới kết luận, những người có hàm lượng lycopene cao sẽ giảm được 50% nguy cơ bị các bệnh tim mạch.
Tháng 5/2007, các giáo sư ở Trường ĐH Tokyo (Nhật Bản) đã nghiên cứu thành công đề tài khoa học dùng tinh dầu của quả gấc để điều trị những biến chứng của bệnh tiểu đường. Trước đó, giáo sư Nguyễn Văn Đàn và các cộng sự của mình ở Học viện quân y đã dùng dầu gấc để làm giảm lượng cholesterols trong máu, phòng chống nguy cơ đột quỵ và các bệnh về tim mạch.
Giáo sư Hà Văn Mạo và GS. Đinh Ngọc Lâm ở Viện Quân Y 108 đã sử dụng dầu gấc vào việc ngăn chặn nguy cơ ung thư gan nguyên phát. Giáo sư Phan thị Kim và GS. Bùi Minh Đức ở Viện Dinh Dưỡng đã bảo vệ đề tài dùng dầu gấc phòng chữa bệnh dạ dày tá tràng…..
Tờ International Journal cũng cho hay, nếu trong cơ thể phụ nữ có chứa hàm lượng lycopene đáng kể thì nguy cơ mắc các bệnh ung thư như vòm họng, trực tràng, dạ dày, thực quản sẽ giảm 5 lần. Cơ thể chúng ta không có khả năng tự tổng hợp chất lycopene, bởi thế mà phải “thu nhận” nó từ bên ngoài qua chế độ ăn uống hàng ngày.
Gấc Việt Nam không chỉ giúp trẻ em chống khô mắt, mờ mắt, phát triển trí tuệ, giúp phụ nữ có làn da hồng hào, tươi trẻ, tăng sức đề kháng với bệnh tật mà còn giúp nam giới ngăn chặn nguy cơ ung thư gan, u xơ tuyến tiền liệt. Vì vậy, dầu gấc đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và an toàn cho cả gia đình bạn.
Tổng hợp