3 Câu hỏi thường gặp trong việc chăm sóc sức khỏe phụ nữ
Cơ thể chúng ta rất thông minh, chúng sẽ có những dấu hiệu sớm báo hiệu bệnh lý bất thường cho bạn. Việc của bạn là phải trang bị đầy đủ kiến thức để tránh tình trạng không phát hiện vấn đề kịp thời. Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp giải đáp về việc chăm sóc sức khỏe phụ nữ mà mình muốn chia sẻ.
Câu hỏi đầu tiên trong chăm sóc sức khỏe phụ nữ: Những triệu chứng y khoa quan trọng nhất mà phụ nữ không nên bỏ qua là gì?
Hãy báo ngay với bác sỹ của bạn ngay khi có bất kì triệu chứng nào làm bạn thấy khó chịu. Dưới đây là một số dấu hiệu cần biết khi chăm sóc sức khỏe phụ nữ:
Cơn đau tim: nếu bạn thấy đau hoặc khó chịu ở vùng giữa ngực đôi khi kèm với những cơn đau ở phần trên cơ thể như vai, cánh tay, lưng, cổ, hàm hoặc bao tử; khó thở; ra mồ hôi lạnh; buồn nôn; và hơi nhức đầu.
Đột qụy: các triệu chứng thình lình xảy ra có ảnh hưởng tới khả năng thị lực, thăng bằng đi kèm với cảm giác yếu đi ở mặt, tay và chân.
Các vấn đề về phụ khoa: rong huyết hoặc ra huyết thấm giọt giữa kỳ kinh, cảm giác nóng, sưng, đau nhói vùng âm hộ và bộ phận sinh dục, đau lúc quan hệ; thống kinh; đau nhức ở vùng bụng dưới, khí hư bất thường nhất là khí hư nặng mùi; cảm giác căng cứng và đau vùng thắt lưng.
Các vấn đề về vú trong chăm sóc sức khỏe phụ nữ: tiết dịch núm vú, căng hay đau ở vú, những thay đổi trên vùng da quanh vú và núm vú (các lằn dấu, nếp nhăn, vết lõm, sưng tấy, chấm đỏ, hoặc tróc da), khối u hoặc hạch dưới mô vú hoặc vùng dưới cánh tay, hoặc căng đau ở những vùng này.
Các vấn đề về tiêu hóa và dạ dày: xuất huyết trực tràng; có máu hoặc chất nhầy trong phân;thay đổi thói quen đi tiêu; táo bón, tiêu chảy, hoặc cả hai; ợ nóng thường xuyên cảm thấy đau hoặc đầy hơi; ói (nôn) ra máu.
Các vấn đề về da: những nốt ruồi thay đổi về màu sắc, hình dạng, kích thước, một u da nhỏ láng, sáng có màu nâu đỏ; những tổng thương da gây đau, cứng, tróc da, hoặc rỉ dịch mà không lành trong vòng 14 ngày.
Câu hỏi thứ 2 trong chăm sóc sức khỏe phụ nữ: Phụ nữ cần khám gì để phát hiện các bệnh lây lan qua đường tình dục và bao lâu một lần?
Nếu bạn có sinh hoạt tình dục thì nên xét nghiệm Chlamydia mỗi năm cho tới năm 25 tuổi. Ở tuổi từ 26-39, việc kiểm tra phải dựa trên yếu tố nguy cơ của bạn. Càng có nhiều bạn tình thì nguy cơ mắc bệnh của bạn càng cao. Dù ở bất kỳ lứa tuổi nào, trước khi bắt đầu một mối quan hệ mới thì cả hai nên xét nghiệm các bệnh lây lan qua đường tình dục như Chlamydia, lậu, HIV,herpes (mụn rộp) sinh dục, HPV – virus gây ung thư lây qua đường tình dục. Bạn cũng nên xét nghiệm ngay khi có các triệu chứng như ngứa, nóng, đau ở bộ phận sinh dục, khí hư bất thường và nặng mùi, hoặc có các mụn, bướu, hay những nốt phát ban.
Câu hỏi thứ 3 trong chăm sóc sức khỏe phụ nữ: Những xét nghiệm y khoa nào là quan trọng nhất cho phụ nữ? nên thực hiện các xét nghiệm đó trong độ tuổi nào?
Trung Tâm Sức Khỏe Phụ Nữ (Hoa Kỳ) khuyên bạn thực hiện các xét nghiệm theo chu kì như sau:
Kiểm tra tuyến giáp ở tuổi 35 trở đi và 5 năm một lần.
Kiểm tra huyết áp – ở tuổi 18 trở đi và 2 năm một lần.
Kiểm tra Cholesterol (mỡ trong máu) – bắt đầu ở tuổi 20 trở đi và lập lại định kỳ theo số lần đề nghị của bác sỹ.
Kiểm tra loãng xương – kiểm tra lần đầu ở tuổi 40 và lập lại định kỳ theo đề nghị của bác sỹ.
Chăm sóc sức khỏe phụ nữ bằng cách thực hiện kiểm tra đường trong máu (tiểu đường) – ở tuổi 45 trở đi và 3 năm một lần.
Chụp nhũ ảnh – ở tuổi 40 trở đi và 1 hoặc 2 năm một lần.
Tầm soát ung thư cổ tử cung – 1 hoặc 3 năm một lần cho đến 65 tuổi nếu có sinh họat tình dục . Sau 65 tuổi thì số lần khám của bạn nên theo đề nghị của bác sỹ.
Kiểm tra đại tràng – trực tràng – nội soi đại tràng sigma hàng năm cùng với việc xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân bắt đầu ở tuổi 50 trở đi và sau đó 5 năm một lần nếu không có nội soi đại tràng.
Nội soi đại tràng – 10 năm một lần.
Trên đây là 3 câu hỏi thường gặp trong việc chăm sóc sức khỏe phụ nữ, mong rằng bài viết có thể cung cấp thông tin hữu ích cho bạn. Cám ơn các bạn đã đọc.