Những thông tin bạn cần biết về bệnh vảy nến

Bệnh vẩy nến chiếm 5% dân số Châu Âu, 2% dân số Châu Á và Châu Phi, xấp xỉ 10% tổng số các bệnh nhân đến khám ở các phòng khám Da liễu. Bệnh lành tính, thường không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng ảnh hưởng đến thẩm mỹ, tâm lý và những hệ lụy của nó. Nam gặp nhiều hơn nữ, người lớn nhiều hơn trẻ em. Bệnh phát thành từng đợt, có khi tăng giảm theo mùa.

Bệnh vảy nến là gì?

Vẩy nến là một bệnh da mạn tính thường gặp do tăng sinh tế bào và viêm. Tổn thương da đặc trưng thường gặp là những mảng màu đỏ, bề mặt tróc vẩy, giới hạn rất rõ, với vị trí phân bố thường ở mặt duỗi của chi và da đầu.

Nguyên nhân dẫn tới bệnh vảy nến là gì?

Bệnh vẩy nến là do rối loạn biệt hóa lành tính của tế bào thượng bì. Cho đến nay vẫn chưa khẳng định rõ ràng nguyên nhân. Nhưng người ta biết chắc chắn 5 yếu tố sau đây làm nên nguyên nhân sinh bệnh:

Di truyền: Khoảng 30% bệnh nhân có yếu tố gia đình (cha, mẹ, anh chị em ruột hoặc họ hàng trực hệ); 70% các cặp song sinh cùng mắc. Các nghiên cứu chỉ ra các kháng nguyên HLAW6, B13, B17, DR7 liên quan đến vẩy nến da và khớp.

Nhiễm khuẩn: vẩy nến ở trẻ em, vẩy nến thể giọt người ta phân ra được liên cầu khuẩn ở tổn thương và điều trị kháng sinh thì bệnh thuyên giảm.

Stress: Làm bệnh tái phát hoặc đột ngột nặng lên.

Thuốc: Bệnh vẩy nến xuất hiện sau khi sử dụng một số thuốc: chẹn beta kéo dài, lithium, đặc biệt sau khi sử dụng corticoid.

Hiện thượng Kobner: thương tổn mọc lên sau các kích thích cơ học (gãi, chà xát) hoặc các kích thích lý hóa (bệnh nặng nhẹ theo mùa).

Bệnh vảy nến

Dấu hiệu nhận biết của bệnh vảy nến

Vẩy nến thường biểu hiện dưới dạng những mảng màu đỏ, tróc vẩy ở bề mặt, giới hạn rất rõ. Vị trí có thể bất kỳ nhưng thường gặp nhất là da đầu, cùi chỏ, đầu gối, vùng xương thiêng.

Người mắc bệnh vẩy nến thường không ngứa, tuy nhiên một số có thể ngứa, châm chích, bỏng rát. Những trường hợp nặng, người bệnh có thể xuất hiện nhiều mụn mủ hoặc đỏ da toàn bộ cơ thể.

Ngoài tổn thương da, một số người có thể bị tổn thương móng với biểu hiện móng có nhiều vết lõm, hoặc đổi màu vàng nâu, hoặc móng dày hoặc hư toàn bộ móng.

Bệnh vẩy nến Plaque (hay vẩy nến thông thường) là dạng bệnh xảy ra phổ biến nhất của bệnh vẩy nến, chiếm khoảng 80% trường hợp mắc bệnh. Chúng xuất hiện ở dạng các vết tổn thương màu đỏ, bị lồi lên và thường dẫn đến hiện tượng da bị viêm. Chúng cũng có thể bị bao phủ bởi một lớp vẩy màu bạc hoặc màu trắng. Những vết tổn thương này thì thường được thấy ở đầu gối, khuỷu tay hoặc phía dưới lưng.

Bệnh vẩy nến Guttate được định rõ đặc điểm là ‘các vết tổn thương lốm đốm’, thường là các vết nhỏ màu đỏ xuất hiện trên cơ thể hoặc ở chân tay. Chúng thường không lồi lên như bị vẩy nến Plaque. Bệnh vẩy nến Guttate có thể xuất hiện lần đầu khi còn nhỏ hoặc trong những năm đầu khi mới trưởng thành, hoặc có thể xuất hiện đột ngột.

Bệnh vẩy nến Inverse xuất hiện là các mảng màu đỏ sáng, không sần sùi và láng bóng. Chúng thường được thấy ở các nếp gấp và các vùng da mềm như nách, háng, phía dưới ngực hay vùng mông. Những vùng này cũng có thể trở nên bị rát khi bị va chạm và/hoặc khi đổ mồ hôi.

Bệnh vẩy nến Pustular thường thấy ở người lớn, và được định rõ đặc điểm bởi các vết phỏng giộp có mủ trắng (không bị nhiễm trùng bởi vì chúng có chứa tế bào bạch cầu). Những vết phỏng giộp này có thể làm vùng da chung quanh đỏ lên, có thể giữ nguyên hoặc lan rộng ra.

Bệnh vẩy nến Erythrodermic là hiện tượng viêm da tự nhiên và do đó thường ảnh hưởng đến nhiều vùng da của cơ thể. Các vùng da bị đỏ và bong lớp vẩy ở diện rộng gây nên đau đớn và khó chịu.

Bệnh vẩy nến có những biến chứng gì?

Bệnh vẩy nến là một bệnh không ổn định, nếu không được chăm sóc và điều trị đúng người bệnh có thể bị các biến chứng sau:

– Đỏ da toàn thân.

– Vẩy nến mủ.

– Viêm khớp.

– Nhiễm trùng da.

– Nghiện rượu, thuốc lá.

– Tổn thương gan do thuốc, rượu.

– Một số nghiên cứu gần đây cho thấy vẩy nến là yếu tố nguy cơ đối với hội chứng chuyển hóa và bệnh tim mạch (nghĩa là dễ mắc hội chứng chuyển hóa và bệnh tim mạch hơn) nhất là đối với những người vẩy nến nặng.

Bệnh vảy nến nặng

Phương pháp điều trị bệnh vẩy nến gồm:

– Tại chỗ: thường được sử dụng trong những hợp vẩy nên nhẹ hoặc trung bình, có thể sử dụng một mình hoặc kết hợp với những phương pháp khác. Có rất nhiều loại thuốc thoa tại chỗ có thể sử dụng trong điều trị vẩy nến hiện nay nhưng đều cần có hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa da, gồm: corticosteroid, dẫn xuất vitamin D3, ức chế calcineurin, retinoid, hắc ín, anthralin và acid salicylic.

– Toàn thân: những thuốc này thường được chỉ định trong những trường hợp vẩy nến nặng, cần được sự hướng dẫn và theo dõi của bác sĩ, gồm: methotrexate, cyclosporine, retinoid và sulfasalazine.

– Thuốc sinh học: đây là nhóm thuốc mới có tác dụng ức chế những thành phần chuyên biệt trong đáp ứng miễn dịch của bệnh. Tuy nhiên, những thuốc rất đắt tiền và hiện chưa có tại nước ta.

– Quang trị liệu: sử dụng tia sáng để điều trị vẩy nến như tia UVA, UVB, laser (Excimer). Các tia tử ngoại (UV) sẽ tấn công và phá hủy các DNA trong tế bào qua đó phá hủy toàn bộ tế bào.

Bệnh vẩy nến là một trong những loại bệnh da mạn tính thường gặp. Người bệnh cần hiểu biết rõ về bệnh cũng như các phương pháp điều trị hiện nay nhằm giúp bản thân có thể chung sống hòa bình và hạn chế tối đa các biến chứng của bệnh.