Chứng rối loạn tiêu hóa ở người già, điều trị ra sao?

Cùng với tuổi tác ngày càng cao, các chức năng của hệ tiêu hóa trong cơ thể ngày càng suy giảm, đó chính là nguyên nhân dẫn tới chứng rối loạn tiêu hóa ở người già. Vậy biểu hiện của bệnh lý này ra sao? Cần điều trị như thế nào? Các bạn hãy cùng tìm hiểu với vtvcantho nhé.

Nguyên nhân của chứng rối loạn tiêu hóa ở người già

Khi tuổi cao, các cơ quan của cơ thể trong đó có hệ tiêu hóa bị suy giảm chức năng. Người cao tuổi thường dễ mắc các bệnh tiêu hóa do:
Chức năng cơ học của hệ tiêu hóa bị suy yếu như răng yếu không nhai kỹ thức ăn, nhu động của thực quản yếu nên hay bị nghẹn, nhu động dạ dày, ruột suy giảm nên việc nhào trộn và vận chuyển thức ăn bị chậm.
Chức năng tiết các dịch tiêu hóa như nước bọt, dịch vị, dịch tụy, dịch mật, dịch ruột cũng bị giảm đáng kể cả về số lượng và chất lượng nên khả năng tiêu hóa thức ăn bị kém
Các lớp niêm mạc đường tiêu hóa cũng suy giảm do tuổi tác, các mạch máu tưới các cơ quan tiêu hóa bị xơ vữa nên lượng máu tới các cơ quan này bị giảm sút từ đó dẫn đến việc hấp thu các chất rất kém.

Người già thường dễ bị rối loạn tiêu hóa

Các chứng rối loạn tiêu hóa ở người già

Khi sức đề kháng yếu người cao tuổi dễ bị nhiều bệnh tấn công trong đó thường gặp là các bệnh về đường tiêu hóa. Một số người gặp phải tình trạng ăn không ngon, hoặc dễ bị nghẹn cho dù họ nhai rất chậm và kỹ. Nguyên nhân do bộ phận tiêu hóa đang dần dần bị teo xơ theo năm tháng vì vậy sự co bóp của đường tiêu hóa cũng bị giảm nhất là ở thực quản.

Hệ tiêu hóa bị suy giảm chức năng và men tiêu hóa của hệ đường ruột cũng bị suy giảm một cách đáng kể do đó người già thường dễ bị sôi bụng, đầy hơi, đi ngoài phân không thành khuôn đặc biệt là khi ăn nhiều thức ăn chứa dầu mỡ hoặc nhiều đạm. Vì vậy, họ thường ngại ăn những món ăn bổ dưỡng và chứa nhiều đạm.

Táo bón là tình trạng khá phổ biến ở người già. Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây táo bón cho người cao tuổi nhưng có một số lý do thường gặp nhất là do chức năng và hệ men tiêu hóa của đường ruột giảm sút, do ít vận động và đặc biệt là do trong chế độ ăn uống của họ ít rau quả, thêm vào đó lại uống khá ít nước. Táo bón gây ra một số hậu quả như mệt mỏi do các chất độc tố có trong phân, trong đó rất nhiều độc tố của vi khuẩn ngấm vào máu. Táo bón rất dễ gây nên bệnh trĩ, nứt kẽ hậu môn cho nên mỗi lần đi ngoài khiến người bệnh rất sợ vì phải rặn mạnh mà rặn mạnh thì đau, chảy máu. Đây cũng là lý do mà táo bón ngày càng nặng thêm gây cảm giác đau quặn bụng, nhất là vùng bụng dưới và 2 hố chậu dễ nhầm lẫn với bệnh tiết niệu hoặc viêm sỏi, viêm ruột thừa ….

Người già sức khỏe yếu, việc đi lại gặp nhiều khó khăn cộng với sự sat sút về trí tuệ làm cho việc táo bón kéo dài gây ra nhiều bất tiện cho bản thân người bệnh và người nhà. Tinh thần không tốt, căng thẳng cũng làm cho tình trạng táo bón trở nên trầm trọng hơn.

Phòng ngừa chứng rối loạn tiêu hóa ở người già

Có thể dự phòng rối loạn tiêu hóa ở người cao tuổi bằng một số biện pháp như tuân thủ một chế độ ăn hợp lý. Cụ thể: Hạn chế mỡ động vật, thay bằng dầu thực vật; Không nên ăn quá nhiều các loại thịt đỏ khó tiêu như thịt bò, thịt trâu; Nên ăn quả tươi như đu đủ, chuối, cam, rau xanh, ngũ cốc, hạt vừng, lạc; Ăn thêm những loại đạm dễ tiêu như tôm cá, thịt lợn và chất béo như dầu thực vật.

Thức ăn nên chế biến kỹ đảm bảo vệ sinh và độ chín cần thiết. Không nên ăn những thức ăn chế biến dưới dạng tái, gỏi bởi vì những loại thức ăn này rất dễ gây chướng bụng đầy hơi. Không nên ăn dồn ép mà nên chia nhỏ bữa sao cho số lượng vừa đủ, đảm bảo đều đặn hàng ngày. Tránh ăn những thức ăn lạ mà cơ thể chưa quen. Thức ăn luôn đảm bảo nóng sốt sẽ giúp cho quá trình tiêu hóa và hấp thu được dễ dàng. Không uống rượu bia hoặc các chất uống có cồn khác.

Ngoài ra, việc tập luyện thể dục nhẹ nhàng, tăng cường vận động phù hợp với sức khỏe, khí công dưỡng sinh… cũng là những biện pháp tốt giúp cho việc tiêu hóa ở người cao tuổi được dễ dàng.

Điều trị chứng rối loạn tiêu hóa ở người già

Những rối loạn tiêu hóa ở người cao tuổi nếu chỉ bị trong thời gian ngắn khoảng 2 – 3 ngày thì nhìn chung không gây biến chứng gì đặc biệt nếu được điều trị kịp thời và dứt điểm. Nhưng khi tình trạng rối loạn tiêu hóa kéo dài quá lâu, sẽ có rất nhiều hệ lụy như những rối loạn nuốt có thể gây viêm phổi do sặc, nuốt nghẹn hoặc hội chứng kém hấp thu kéo dài khiến cho việc cung cấp chất dinh dưỡng bị thuyên giảm và bệnh nhân sẽ bị suy kiệt. Từ đó, bệnh nhân dễ dàng bị nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiết niệu… cũng như suy dinh dưỡng sẽ làm nặng thêm các bệnh mạn tính đang có. Tiêu chảy cấp hoặc mạn đều gây mất nước, mất điện giải khiến cơ thể suy kiệt nhanh chóng.

Ngoài ra, chất lượng cuộc sống của người bệnh cũng bị giảm sút do cơ thể mệt mỏi, đau đớn, ăn uống kém ngon, lúc nào cũng lo lắng về bệnh tật dẫn đến đau đầu, mất ngủ triền miên, mất hứng thú với cuộc sống, mất tập trung, dễ cáu gắt…

Nhìn chung, đối với những bệnh lý rối loạn tiêu hóa có tính chất cấp tính như tiêu chảy do nhiễm độc hoặc nhiễm khuẩn, đầy bụng chướng hơi do thức ăn… thì có thể dễ dàng xử trí. Nhưng đối với những triệu chứng rối loạn tiêu hóa có tính chất mạn tính, có nguyên nhân do bệnh lý tổn thương – thoái hóa của các cơ quan tiêu hóa như gan mật, tụy, dạ dày ruột hoặc do các cơ quan như nội tiết chẳng hạn thì việc điều trị có phức tạp hơn và phải tìm đúng nguyên nhân để xử trí.

Tập luyện thể dục nhẹ nhàng, tăng cường vận động phù hợp với sức khỏe, khí công dưỡng sinh…cũng là những biện pháp tốt giúp cho việc phòng tránh và điều trị hiệu quả chứng rối loạn tiêu hóa ở người già được dễ dàng.

Xem thêm

Phòng tránh bệnh hô hấp ở người cao tuổi vào mùa lạnh