Cách bổ xung canxi cho người cao tuổi

Thiếu canxi dẫn đến bệnh loãng xương làm cho chất lượng cuộc sống bị giảm sút, có khi bị tàn phế suốt phần đời còn lại, thậm chí tử vong.

Canxi rất cần thiết cho sự phát triển của cơ thể. Lâu nay, người ta thường chú ý bổ sung chất này cho trẻ em. Trong khi đó canxi cũng rất cần thiết cho người cao tuổi. Vậy bổ sung canxi ở lứa tuổi này như thế nào?

Tại sao người cao tuổi lại thiếu canxi?

Người cao tuổi do mạch máu dần dần bị xơ hoá làm cho niêm mạc dạ dày không được cung cấp đủ máu sẽ teo lại. Tế bào tuyến trong niêm mạc dạ dày giảm hoặc thoái hoá, dẫn tới giảm tiết dịch vị và acid dạ dày. Mặt khác, dạ dày tiết men pepsin cũng giảm dần làm cho acid dạ dày sẽ thấp hoặc bị thiếu. Khi thiếu acid thì muối canxi (trong thức ăn) khó phân giải thành ion canxi để hấp thu. Vì thế, sự hấp thu canxi từ thức ăn ở người cao tuổi sẽ bị giảm đi so với người trưởng thành.

Khi canxi hấp thu từ thức ăn vào máu bị giảm sút, theo phản xạ tự nhiên, hormon parathiroid tăng, làm cho muối canxi trong xương phân huỷ thành ion canxi, phóng thích vào máu để lập lại cân bằng canxi máu nhằm đảm bảo cho các hoạt động sinh lý của cơ thể có liên quan đến canxi máu. Mặt khác, quá trình “dịch chuyển” canxi từ xương vào máu cũng làm cho cancitonin tiết ra nhiều, thúc đẩy muối canxi lắng đọng trên bề mặt khớp gần xương, làm sự bài tiết canxi qua đường niệu tăng. Trong khi đó, thận của người cao tuổi giảm chức năng điều tiết cân bằng kiềm toan, việc tái hấp thu canxi ở ống thận lại giảm, từ đó canxi bị thải ra ngoài nhiều.

Bình thường, nồng độ canxi ở ngoài tế bào (dịch, máu) và trong tế bào thường có tỷ lệ 5.000:1. Để đảm bảo nồng độ trên cơ thể có quá trình “bơm” canxi (trên màng tế bào) để đưa canxi từ trong ra ngoài tế bào. Việc “bơm” canxi đòi phải có năng lượng. Người cao tuổi quá trình chuyển hoá giảm nên năng lượng cũng giảm theo khiến cho việc bơm canxi bị giảm. Canxi trong tế bào tăng sẽ làm cho canxi ngoài tế bào (dịch, máu) giảm. Và khi calci-máu giảm thì theo phản xạ tự nhiên cơ thể lặp lại quá trình “dịch chuyển” canxi từ xương vào máu như nói trên.

Hormon sinh dục nữ (estrogen) và hormon sinh dục nam (testosteron) làm tăng hoạt tính của tế bào tạo xương. Nữ từ tuổi mãn kinh, nam từ tuổi 40 trở đi các hormon này giảm, làm quá trình tạo xương giảm, huỷ xương tăng. Hơn nữa, người cao tuổi ít ra ngoài trời hơn nên ít tiếp xúc với tia tử ngoại trong nắng, quá trình chuyển tiền vitamin D dưới da thành vitamin D do vậy bị giảm sút.

Việc hấp thu canxi kém, bài tiết canxi tăng đã dẫn tới tình trạng thiếu canxi ở người cao tuổi.

Và những tác hại

Thiếu canxi dẫn đến bệnh loãng xương làm cho chất lượng cuộc sống bị giảm sút, có khi bị tàn phế suốt phần đời còn lại, thậm chí tử vong.

Khi thiếu canxi, sự dẫn truyền thần kinh bị giảm sút đưa đến bệnh lẩn thẩn tuổi già. Các nghiên cứu về tuổi già (ở Mỹ) cho rằng, canxi ngoài tế bào giảm, canxi trong tế bào tăng là một trong các nguyên nhân tạo thành mảng amiloid trong bệnh Alzheimer.

Khi sự “dịch chuyển” canxi từ xương vào máu tăng, canxi sẽ lắng đọng sai vị trí. Sự lắng đọng canxi dưới da gây chứng ngứa tuổi già. Gần đây, các nhà nghiên cứu còn nhận thấy, canxi trong thành mạch máu quá thừa sẽ dẫn tới các “đốm dạng cháo” ở động mạch. Trong đốm dạng cháo có nhiều cholesterol xấu và canxi lắng đọng. Nguyên nhân gây xơ vữa động mạch rất phức tạp bao gồm: huyết áp cao, rối loạn mỡ máu cao, tổn thương mạch, rối loạn nội tiết thần kinh và canxi là một trong những yếu tố hình thành bệnh xơ vữa động mạch.

Canxi tham gia vào việc điều tiết tính thẩm thấu thành mạch và tính hưng phấn dẫn truyền thần kinh. Thiếu canxi, tính thẩm thấu thành mạch, tính hưng phấn tăng làm cho cơ địa dễ cảm ứng trước dị nguyên, bị dị ứng. Người cao tuổi vì thiếu canxi nên các bệnh có nguồn gốc dị ứng như hen suyễn thường có tần suất tăng và nặng lên…

Bổ sung canxi như thế nào?

Tốt nhất, người cao tuổi nên ăn thức ăn giàu canxi và dễ hấp thu như sữa bò, đậu nành, vừng, tôm, cá, cua, sò, rong biển, mộc nhĩ đen… Trong chế biến thức ăn cần thêm một chút giấm hỗ trợ cho sự phân tiết acid dạ dày. Ăn nhiều thức ăn giàu vitamin D như lòng đỏ trứng, gan động vật, cá hồi (với lượng chất béo thích hợp), ra nắng nhiều (nắng buổi sớm). Ăn đủ vitamin C (cam, chanh) giúp cho sự tạo collagen (lợi cho việc tạo xương, sụn). Ăn vừa đủ protein giúp cho hấp thu canxi tốt hơn và ăn vừa đủ muối. Nếu ăn quá nhiều protein, muối sẽ tăng bài tiết canxi. Ăn vừa đủ muối natri (nếu ăn quá nhiều cũng sẽ tăng bài tiết canxi).

Do quá trình hấp thu ở người cao tuổi giảm trong khi bài tiết canxi lại tăng lên nên có những trường hợp thiếu canxi phải bổ sung bằng thuốc. Không dùng canxi đơn độc mà nên dùng cùng với vitamin D giúp cho canxi hấp thu tốt hơn. Trong nhiều trường hợp, việc bổ sung canxi này sẽ cải thiện được tình trạng các bệnh như loãng xương, ngứa, tăng huyết áp… do thiếu canxi ở người già gây nên.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc chứa canxi. Tuy nhiên, việc bổ sung cụ thể trong từng trường hợp nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc để đạt hiệu quả, tránh dùng thừa và những tai biến do thuốc gây ra.

Xem thêm : Top 5 thuốc bổ dành cho người già