Bệnh nghiến răng ở trẻ khi ngủ, nguyên nhân do đâu?

Bệnh nghiến răng ở trẻ khi ngủ là bệnh lý tương đối phức tạp và có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh. Vậy đó là những nguyên nhân nào? Phòng ngừa và điều trị bệnh ra sao? Các bạn hãy cùng tìm hiểu với vtvcantho nhé.

Nguyên nhân gây bệnh nghiến răng ở trẻ là gì?

Đối với trẻ em việc nghiến răng khi ngủ là một tật sẽ làm ảnh hưởng rất xấu tới răng của bé, vì nó có thể phá hủy trật tự răng. Nghiến răng thường gặp ở những trẻ độ tuổi mẫu giáo, bé trai nghiến răng nhiều hơn bé gái. Nguyên nhân dẫn đến nghiến răng có thể là do di truyền, nhưng cũng có khi chỉ là do stress hoặc do giấc ngủ không sâu.

Một số trẻ em nghiến răng có thể là do răng trên và dưới của trẻ không ăn khớp nhau làm trẻ khó chịu và nghiến răng sẽ làm trẻ cảm thấy dễ chịu hơn và điều đó dần dần trở thành thói quen. Một số trẻ khác nghiến răng như là một phản ứng của cơ thể để làm giảm đau trong trường hợp trẻ bị đau tai hoặc đang mọc răng. Nguyên nhân khác cũng có nhiều trường hợp xảy ra là do trẻ quá hiếu động nên thường nghiến răng.

Tuy nhiên, nghiến răng do các nguyên nhân stress hay ngủ không sâu sẽ chấm dứt sau một thời gian ngắn (không quá vài tháng). Nếu trẻ nghiến răng với thời gian lâu từ 1 năm trở lên thì các bậc phụ huynh nên đưa cháu đi khám chuyên khoa răng hàm mặt hoặc thần kinh để tìm nguyên nhân. Nếu tình trạng này kéo dài, cháu sẽ đau răng và đau đầu vào mỗi buổi sáng do hoạt động cơ thường xuyên vào ban đêm.

Các biến chứng có thể gặp của nghiến răng

Hầu hết các trường hợp nghiến răng không gây ra những biến chứng nghiêm trọng, tuy nhiên nghiến răng mức độ nặng và thường xuyên có thể gây ra một số biến chứng như: tổn thương răng, xương hàm, các phục hình răng; nhạy cảm răng do mòn răng; rối loạn khớp thái dương hàm; đau vùng đầu mặt.

Khắc phục cách nào?

Nghiến răng mức độ nhẹ không cần điều trị, tuy nhiên với những trường hợp nặng, điều trị là thực sự cần thiết. Phương pháp điều trị sẽ được cân nhắc bởi nha sĩ qua thăm khám. Mục tiêu của điều trị là giảm đau, giảm các ảnh hưởng tới răng, phục hình, khớp thái dương hàm và hạn chế tối đa việc nghiến răng. Việc điều trị bao gồm các liệu pháp trị liệu, thuốc, can thiệp nha khoa.

Nghiến răng ở trẻ khi ngủ là một tật không nguy hiểm tới tính mạng nhưng dai dẳng và có thể để lại những hậu quả nặng nề đối với răng miệng, đòi hỏi sự kiên trì trong điều trị cũng như sự phối hợp của nhiều chuyên ngành trong y khoa. Bố mẹ cũng nên quan sát và chú ý tới tật nghiến răng ở trẻ để có những can thiệp và điều chỉnh kịp thời, vì nghiến răng cũng có thể liên quan tới các bệnh lý khác hoặc các vấn đề tâm tư, nguyện vọng của trẻ.

Xem thêm

Nguyên tắc chăm sóc khi sốt ban đỏ ở trẻ