Quy trình và kỹ thuật trồng lúa

Cây lúa là nguồn cung cấp lương thực chủ yếu của người dân Việt Nam, đây cũng là loại cây lương thực dùng nhiều trên thế giới, cùng với ngô, lúa mì, sắn,.. Lúa có đầy đủ các chất dinh dưỡng như tinh bột, protein, lipid, xenlulozo, … Ngoài việc sử dụng làm lương thực, gạo và các sản phẩm phụ khác còn được sử dụng với rất nhiều mục đích khác nhau. Dưới đây là Quy trình và kỹ thuật trồng lúa.

1. Làm đất

Đất lúa cần phải được cày, bừa kỹ và nên tranh thủ làm sớm sau khi thu hoạch.  Tùy thuộc địa hình và chân đất mà nên làm ruộng theo kiểu (làm dầm hay làm ải). Ruộng làm dầm phải giữ được nước, ruộng làm ải cần được phơi kỹ, giữa đợt nên cày đảo ải và tiến hành đổ ải trước cấy 5-7 ngày. Làm ải giúp tăng cường quá trình giải phóng dinh dưỡng trong đất, đồng thời hạn chế các độc tố gây hại cây trồng và giúp tiêu diệt tàn dư dịch hại trong đất. Tực tế trong sản xuất cha ông ta đã có câu “Một hòn đất nỏ bằng một giỏ phân”.

Đất lúa phải được cày sâu, bừa kỹ cho thật nhuyễn, mặt ruộng phải phẳng giúp thuận lợi cho cấy và điều tiết nước. Yêu cầu đất lúa trước khi cấy phải sạch gốc rạ và cỏ dại (lúa cấy mạ non ruộng càng phải được làm kỹ, mặt ruộng phải phẳng hơn và để mức nước nông) giúp lúa cấy xong phát triển thuận lợi.

2. Gieo cấy, trồng lúa

– Tuổi mạ: Tuổi mạ cấy tùy thuộc vào giống, thời vụ và phương pháp làm mạ. Để tính tuổi mạ có thể dùng ngày tuổi hoặc số lá. Ở vụ mùa tính tuổi mạ theo ngày tuổi (15-18 ngày), còn ở vụ đông xuân theo số lá (mạ dược 5-6 lá, mạ sân hoặc mạ trên nền đất cứng 2-3 lá).

– Mật độ cấy: Vụ có nhiệt độ thấp cấy dầy hơn vụ có nhiệt độ cao (cấy 1-2 dảnh/khóm); vụ xuân cấy mật độ: 40-45 khóm/m2; vụ mùa cấy mật độ: 35- 40 khóm/m2

– Kỹ thuật cấy: Cấy thẳng hàng, cấy nông 2-3 cm, cấy sâu sẽ làm cho lúa phát sinh 2 tầng rễ, các mắt đẻ ở vị trí thấp sẽ không phân hoá được mầm nhánh, lúa đẻ nhánh kém, số nhánh hữu hiệu giảm. Vụ chiêm xuân nhiệt độ thấp cần phải cấy sâu hơn vụ mùa để hạn chế tỷ lệ chết rét “Chiêm đào sâu chôn chặt, mùa vừa đặt vừa đi”. 

3. Bón phân cho lúa

– Cải tạo đất:

Độ chua và hàm lượng mùn của đất có tác động nhiều đến các đặc tính lý, hóa và sinh học đất, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình dinh dưỡng khoáng của cây lúa. Nhìn chung đất trồng lúa của chúng ta có phản ứng chua, nghèo mùn (pH từ 4,5-5,5), trong khi pH thích hợp nhất cho cây lúa sinh trưởng, phát triển là 5,5-6,5. Vì vậy, cần thiết phải cải tạo pH đất bằng chất điều hòa pH đất Tiến Nông và cải thiện hàm lượng mùn cho đất bằng phân chuồng hoai mục hoặc phân hữu cơ.

Lượng dùng chất điều hòa pH căn cứ vào trị số pH đất

+ Phân chuồng hoai mục: 3,0-3,5 tạ/sào 360m2; 4,0-5,0 tạ/sào 500m2; 8-10 tấn/ha

+ Chất điều hoà pH đất Tiến Nông: Căn cứ độ chua đồng ruộng hiện nay lượng bón dao động từ 18-27 kg/sào 360m2; 25-37kg/sào 500m2; 500-750kg/ha (pH>5 bón mức tối thiểu; pH<5 bón mức tối đa).

Cách bón: Bón kết hợp phân chuồng trước khi cày bừa lần cuối.

– Cung cấp dinh dưỡng cho cây lúa (phân bón cho lúa):

Để tạo ra 1 tấn thóc cây lúa hút 24-28 kg N; 7- 9 kg P2O5 ; 28-32 kg K2O; 40-50 kg SiO2 và nhiều nguyên tố trung, vi lượng khác. Cây lúa có hai thời kỳ sinh trưởng quan trọng và mẫn cảm với phân bón mà nếu thiếu hụt sẽ khó có thể được bù đắp (thời kỳ đẻ nhánh và thời kỳ phân hóa đòng). Do vậy, phân bón cho lúa phải đáp ứng đầy đủ và cân đối các yếu tố dinh dưỡng, đồng thời phải cung cấp đúng thời điểm mới có thể cho năng suất tối ưu.

Bón lót: bón lót cho cây lúa trước khi gieo, cấy nhằm cung cấp đầy đủ và cân đối nhu cầu dinh dưỡng khoáng cho cây, giúp cây lúa nhanh bén rễ hồi xanh bước vào thời kỳ đẻ nhánh thuận lợi hơn. Lượng dùng: 18-22kg/sào 360m2; 25-30kg/sào 500m2; 500-600kg/ha.

+ Bón thúc lần 1: để bón thúc đẻ nhánh (bón sau cấy 7-10 ngày), kết hợp làm cỏ sục bùn giúp cây lúa đẻ nhánh khỏe, đẻ tập trung, đạt tỷ lệ dảnh hữu hiệu cao. Lượng dùng: 10-15kg/sào 360m2; 15-20kg/sào 500m2; 300-400kg/ha.

+ Bón thúc lần 2 (thúc phân hóa đòng): bón vào giai đoạn lúa đứng cái (30-35 ngày sau cấy) giúp tăng số hạt và chiều dài bông lúa. Lượng dùng: 7-10kg/sào 360m2; 10-15kg/sào 500m2; 200-300kg/ha.

4. Quản lý nước:

Vụ xuân nên lấy nước làm áo, sau cấy luôn giữ một lớp nước nông trên mặt ruộng, vừa giữ ấm cho cây lúa giúp cây nhanh bén rễ hồi xanh đồng thời thuận lợi cho việc sử dụng thuốc trừ cỏ và ốc bươu vàng.

Khi cây lúa bắt đầu đẻ nhánh thực hiện phương châm quản lý nước theo công thức: Nông – Lộ – Phơi. Tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình  hô hấp của cây, giúp lúa đẻ nhánh sớm, đẻ khỏe, đẻ tập trung (không để ruộng khô nhằm hạn chế cỏ mọc nhiều). Khi lúa đẻ nhánh kín đất tháo cạn nước để lộ chân chim giúp rễ lúa ăn sâu, tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng và chống đổ cho cây về sau.

–> Cách trồng mướp trong thùng xốp