Cách trồng hoa dạ yến thảo cho không gian thêm nhiều sắc màu
Người ta thường trồng hoa dạ yến thảo làm viền quanh cho khu vườn hoặc trồng thành từng luống. Loài hoa này khi trồng chậu trang trí nơi ban công, bàn làm việc hay phòng khách cũng mang lại vẻ đẹp rực rỡ hơn cho căn nhà của bạn. Vậy bạn đã biết cách trồng hoa dạ yến thảo chưa? Tham khảo bài viết dưới đây để thêm thông tin hữu ích cho bản thân nhé.
Đặc điểm cây hoa dạ yến thảo
+ Cây hoa dạ yến thảo thuộc cây thân thảo có ba dạng cây: Cây bụi đứng và cây bụi rủ, dạ yến thảo biển sóng. Chiều cao thân từ 30 – 50 cm.
+ Hoa dạ yến thảo nở bốn mùa, nở rộ vào khoảng thời gian từ tháng 5 – 10. Hoa gốc có hình phễu, các loại hoa lai tạo có hình dáng đa dạng và phong phú hơn nhiều. Cánh có thể đơn lớp hoặc đa lớp, dạng gợn sóng. Hoa có thể có sọc, đốm hoặc viền quanh cánh với nhiều màu sắc khác nhau như đỏ tía, màu hoa cà, màu oải hương, hồng, đỏ, trắng, vàng.
Khi chạm vào lá và cuống hoa thấy hơi dính và có mùi thơm rất khác biệt (gần giống mùi benzen).
Cách trồng hoa dạ yến thảo
Có hai cách trồng hoa dạ yến thảo đó là giâm cành hoặc gieo hạt tạo cây con.
Kỹ thuật trồng hoa dạ yến thảo bằng cành
Cắt một ngọn dạ yến thảo. Chú ý cắt dưới đốt lá và đảm bảo rằng phải còn lại ít nhất 3 đốt lá trên ngọn.
Giữ cho các ngọn vừa cắt luôn tươi bằng cách cắm chúng ngay vào ca nước trong khi làm thao tác khác.
Tỉa bỏ các lá gần vết cắt. Ngắt bỏ hết hoa nếu muốn các ngọn này tập trung năng lượng để phát triển rễ trước.
Đổ đầy đất vào chậu, sau đó ấn nhẹ đất xuống, để đất lấp đều. Dùng dụng cụ tra hạt tạo vài lỗ trên đất trong chậu.
Cho từng ngọn Dạ yến thảo vào từng lỗ. Lấy dụng cụ tra hạt gạt đất vào phía ngọn hoa sao cho các lỗ được lấp kín.
Tưới nước thật đẫm đất và ngọn hoa. Điều này giúp đất nén đều quanh ngọn hoa.
Đặt các ngọn hoa ở nơi thông thoáng và có lưới che. Vị trí thông thoáng và râm mát cũng tốt. Không được đặt các ngọn hoa trực tiếp dưới ánh sáng mặt trời hoặc dưới điều kiện quá nóng và khô (Có thể dung mái che nếu cần thiết tạo bóng râm).
Các ngọn hoa còn chưa có rễ, vì thế nó rất dễ bị mất nước. Cần tưới nước thường xuyên đẫm cả ngọn hoa và đất hàng ngày. Vào ngày nóng, cần tưới nước đẫm vào buổi sáng và tưới lại vào buổi tối. Vào ngày mát, chỉ cần tưới nước đẫm vào buổi tối.
Các ngọn hoa sẽ bị mềm, héo đi một chút, nhưng chúng không bao giờ gục hẳn. Nếu chúng bị gục hẳn, có thể là do không tưới đủ nước hoặc vị trí đó quá nóng.
Khoảng 2-3 tuần sau, các ngọn hoa bắt đầu tươi trở lại. Điều này là một dấu hiệu cho thấy rễ đã bắt đầu mọc ra và các ngọn hoa đã có thể bắt đầu hút nước từ đất. Nhấc nhẹ nhàng một ngọn ra để kiểm tra. Nhúng xuống nước để rơi hết đất và kiểm tra xem rễ đã phát triển thế nào. Sau đó lại nhẹ nhàng trồng chúng lại vào đất và tưới đẫm nước để đảm bảo rằng đất lại bọc kín xung quanh ngọn hoa.
Trong trường hợp không có rễ, cắm nhẹ nhàng ngọn hoa trở lại đất và đợi đến tuần tiếp theo. Chừng nào các ngọn hoa chưa chết, nó vẫn có khả năng mọc rễ. Một vài ngọn sẽ cần nhiều thời gian để mọc rễ hơn các ngọn khác
Trồng hoa dạ yến thảo bằng phương pháp gieo hạt
- Chuẩn bị
Cây nên được gieo hạt vào mùa hè khoảng tháng 5, 6. Người trồng cần chuẩn bị đất trồng chất lượng tốt, tránh tình trạng đất bị nhiểm khuẩn, nấm mốc làm hỏng hạt. Đất phải thật tơi xốp, nhiều mùn, khô ráo vừa đủ để giúp hạt dễ dàng nảy mầm. Thêm vào đó, chậu nên có lỗ thoát nước, dụng cụ đào lỗ tra hạt. Chọn hạt giống tốt, có khả năng nảy mầm cao.
- Gieo hạt
– Giắc đều hạt lên chậu, ban công chỗ trồng hoa sau đó phủ một lớp đất mỏng khoảng 5mm lên trên hạt để giữ ẩm.
– Phun nước nhẹ nhàng khắp chỗ trồng hoa, tránh để trôi hạt hoặc hở hạt lên mặt đất. Để ở chỗ mát tránh ánh nước mặt trời.
– Giữ ẩm cho cây, khoảng 4-7 ngày hạt sẽ nảy mầm chú ý, kiến hay sên ăn hạt hoặc ăn cây nảy mầm.
- Thành cây
– Giữ ẩm cho cây, nếu cây mau quá có thể cho sang chậu cho cây phát triển dễ dàng.
– Khi trồng hoa dạ yến thảo, tránh đặt chậu cây nơi gió lớn, cây hoa dễ bị tổn thương.
– Khi cây quá già cắt bớt thân ngọn, giữ gìn các phần thân (Thực hiện vào ngày mát) có thể thay đất hoặc chậu to hơn (vào mùa xuân), bổ xung dinh dưỡng cây sẽ bật mầm lộc dày và trong thời gian ngắn lại tiếp tục cho Hoa nhiều vì cây được trẻ hóa, lưu ý đây là loài cây ưa ẩm, háu ăn nhưng chúng ta phải trồng bằng những giá thể thật xốp thoáng giàu chất hữu cơ.
Lưu ý khi chăm sóc cây
+ Cây cần tránh ánh nắng quá gắt, sống tốt trong điều kiện nửa râm
+ Cần tưới nước giữ ẩm vào buổi sáng cho tới chiều suốt thời kỳ từ hạt hoa cho tới ra hoa. Tuy nhiên lượng nước tưới cần vừa phải, không quá nhiều và để chậu cây ở nơi không bị ngấm nước mưa. Khi tưới, nên dùng bình xịt phun sương để lá và hoa không bị dập.
+ Nhiệt độ quá cao (trên 35 độ C) hoặc tưới nước, bón phân quá nhiều dễ làm cây bị úng rễ. Chỉ cần bón phân vi sinh định kỳ 2 tuần/lần.
+ Không trồng cây dạ yến thảo trong chậu quá nhỏ, đất thịt, đất mịn (Cây sẽ không khỏe,không bền).
Hoa dạ yến thảo là loài hoa dễ trồng vì đặc tính rất dễ sống. Nếu chúng ta khéo léo chăm sóc thì chậu hoa dạ yến thảo sẽ nở rộ rất đẹp và bền lâu.