Cách trồng cây thiết mộc lan nở hoa thơm lừng khắp vườn
Cách trồng cây thiết mộc lan nở hoa thơm lừng khắp vườn sẽ là những gợi ý rất hay dành cho người chơi cây cảnh. Đây là một loại cây được lựa chọn nhiều để trồng ở vườn, trong chậu trang trí phòng khách hoặc nơi làm việc bởi sắc xanh mát và hương hoa nồng nàn.
Đặc điểm cây thiết mộc lan
Cây còn có tên gọi là cây Phát tài, hay Phất dụ thơm (tên khoa học là Dracaena fragrans). Cây là loại cây thân cột, cao 2 – 5m, đường kính 3-4cm. Nếu trồng cây trong đất thì nó có thể cao trên dưới 6m. Lá hình giáo thuôn nhọn ở đỉnh, mọc tập trung ở đầu cành và màu xanh bóng, phiến lá có sọc rộng và nhạt màu hơn đồng thời ngả vàng ở phần trung tâm.
Hoa của cây thường mọc thành chùm màu trắng ngà hay đỏ sẫm, có mùi rất thơm, nở vào ban đêm và tỏa hương ngào ngạt. Điều đặc biệt là cây có thể cho hao vào lúc thời tiết lạnh giá, trời chuyển từ đông sang xuân hay vào dịp Tết đều có thể nở rộ. Tuy nhiên, tùy vào đặc điểm của cây, cách trồng cũng như chăm sóc mà cây có thể cho nhiều hoa hoặc vài năm liên tiếp không ra hoa. Cây có quả mọng, màu đỏ.
Nhân giống cây thiết mộc lan
Đặc tính nổi bật của cây đó là, cây có thể đâm chồi hoặc nhánh mới tại bất kỳ vị trí nào bị cắt trên thân. Chính điều đó khiến cho việc nhân giống cây thiết mộc lan trở nên đơn giản hơn những loại cây khác.
Sử dụng thân cây
Cách làm như sau: Chặt, cưa một đoạn thân cây khỏe, dài từ 25 đến 50 cm để nhân giống. Nên lựa chọn cây đã có hơn 3 tuổi đời. Cây già nên cắt khúc ngắn vì nguồn chất dinh dưỡng trong thân dự trữ nhiều hơn. Phần thân ở gần ngọn cần được cắt dài vì chúng ít dinh dưỡng nên rễ cây mới sẽ sinh trưởng chậm. Mặc dù tuổi thọ của cây trồng bằng thân không kéo dài quá lâu, chỉ khoảng tầm 4 – 5 tháng, tuy nhiên loại này rất thích hợp để trồng chậu. Nếu điều kiện sinh trưởng của cây được đảm bảo, bạn đem chậu ra ngoài trời thoáng và cho cây đón nắng, nó sẽ phát triển tốt và trở thành một cây mới khỏe mạnh.
Phát triển từ gốc
Cây cũng có thể được trồng bằng gốc có sẵn rễ. Sau khi cắt bớt phần ngọn và thân để nhân giống cây bằng thân, bạn sử dụng đoạn gốc còn lại đã có rễ để chăm sóc nó thành một cây mới. Phương pháp này dễ chăm sóc hơn bởi cây vẫn sống bằng những điều kiện sinh trưởng cũ, không cần thời gian để có thể làm quen với đất trồng mới. Thế nhưng, cần lưu ý đảm bảo đủ ánh sáng và nước cho cây, cũng như cung cấp thêm chất dinh dưỡng để chồi lá non nhanh phát triển hơn.
Sinh trưởng từ hạt
Trồng cây thiết mộc lan bằng phương pháp gieo hạt giống sẽ giúp cây thuần chủng hơn, không có những vết cắt, thân cây đẹp hơn và dễ chăm sóc. Tuy nhiên, cây con nảy mầm dễ dàng bị chết hơn nếu không đáp ứng đủ và đúng những yêu cầu sinh trưởng mà chúng cần. Hạt giống cây này khá hiếm và thường phải được ươm ở vườn cây khoảng từ 3 – 5 tháng. Cách làm này tốn rất nhiều thời gian nên không được nhiều người thực hiện.
|Gợi ý: Cây có thể được trồng thủy sinh trong chậu để có thể đặt bàn trang trí, nhưng thời gian sống trong nước chỉ duy trì khoảng 2 – 3 tháng bởi cây phải sống bằng chất dinh dưỡng tự thân của nó.
Kỹ thuật trồng cây thiết mộc lan
Đất trồng
Sự phát triển của cây sẽ bị hạn chế hơn nếu đem nó trồng vào trong chậu. Do đó đất trồng cần đảm bảo là đất tơi xốp, có độ thoát nước cao.
- Trồng vườn
Đối với trồng cây cảnh để trang trí khu vườn, chỉ cần vài cây là đủ nên bạn không cần quá nhiều thao tác. Những người trồng cây với mục đích kinh doanh thì lại phải làm đất cẩn thận. Lựa chọn khoảng vườn có độ dốc thấp nhất, cày sâu, tạo luống, thiết kế hàng theo đường đồng mức để tránh đất bị xói mòn, rửa trôi chất dinh dưỡng của cây. Người trồng nên nhặt sạch cỏ dại, cắm cọc tiêu định vị nhằm xác định hố trồng theo hàng lối tiện chăm sóc lâu dài.
- Trồng chậu
Đầu tiên dùng mảnh lót bằng sành, sứ đậy kín chỗ thoát nước dưới đáy chậu. Mảnh này đặt hơi vênh để nước thừa có thể thoát ra tránh gây ngập úng cho cây. Lót một lớp đất dưới đáy chậu, đặt bầu cây vào giữa và lấp đất gần khỏa lấp chậu, cách miệng chậu chừng 5cm. Nén chặt đất để định vị cho cây được đứng vứng và tưới nước ướt đất. Đặt chậu cây nơi đủ ánh sáng.
Ánh sáng
Cây ưa sáng, sẽ phát triển xanh tốt và dễ dàng ra hoa hơn nếu được trồng trong điều kiện đón ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, đặt chậu cây trong nhà dưới ánh sáng khuếch tán và một tuần đem cây ra ngoài một lần, cây vẫn có thể sinh trưởng.
Nước
Cây thiết mộc lan thuộc loại thân gỗ nên nhu cầu nước tưới trung bình, nếu đặt chậu trong nhà thì chỉ cần tưới 2 – 3 lần/tuần. Lượng nước mỗi lần từ 0,5 – 1 lít. Kiểm tra đất mặt chậu thường xuyên, khi nào khô hẳn mới tưới và tránh để gốc cây úng nước sẽ thối rễ.
Phân bón
Khoảng 2 – 3 tháng nên bón phân NPK cho cây một lần. Sử dụng lượng phân bón vừa phải, tiến hành rắc phân quanh gốc cây và cách thân cây 5 – 10cm, sau đó tưới nước cho ngấm hoặc hòa tan phân NPK với nước và tưới đều lên gốc cây cũng được.
Phòng bệnh
Cây thường ít bị sâu bệnh gây hại nhưng đôi khi ở môi trường độ ẩm cao dễ bị nấm ở cuộn lá – xuất hiện những đốm trắng. Với hiện tượng này, chúng ta xử lý bằng cách lấy khăn lau, xịt thuốc ngăn ngừa nấm và đem chậu cây đặt nơi có ánh nắng chiếu trực tiếp. Thỉnh thoảng có những cây bị sâu cuốn chiếu tấn công làm khô vằn lá, có thể bắt sâu thủ công bằng tay hoặc dụng cụ làm vườn.
Trên đây là cách trồng cây thiết mộc lan cơ bản nhất và dễ dàng thực hiện cho bất kỳ người chơi cây nào. Để cây có thể ra hoa được thì người trồng cần chú tâm chăm sóc cây kỹ lưỡng và đúng phương pháp.